Tin tức / Hoạt động nghiên cứu

Đông Y điều trị rối loạn mỡ máu

31/03/2015
Cổ nhân có câu: “Bệnh tòng khẩu nhập” để khẳng định bệnh do ăn uống gây nên, trong đó bệnh rối loạn lipid máu hay còn gọi là bệnh máu nhiểm mỡ là một điển hình, một thủ phạm liên quan đến bệnh tim mạch. Rối loạn lipid máu được xem là một trong những yếu tố nguy cơ quan trọng trong việc hình thành bệnh vữa xơ động mạch.

Theo tài liệu của Tổ chức y tế thế giới, ở các nước phát triển, tử vong nhiều nhất là bệnh tim (32%), mà chủ yếu là do vữa xơ động mạch, rồi đến tai biến mạch máu não (13%), nhiều hơn hẳn các bệnh khác.
Ở nước ta, bệnh vữa xơ động mạch với các biểu hiện như suy vành, đột tử, nhồi máu cơ tim, nhồi máu não trước đây ít gặp, đang có xu hướng tăng nhanh theo nhịp độ phát triển của xã hội và dự báo sẽ trở thành một bệnh đáng lo ngại cho sức khỏe của những người có tuổi.

Y học hiện đại có nhiều lọai thuốc điều trị rối loạn lipid có hiệu quả như: fibrat, statin...Tuy nhiên thuốc còn có một số tác dụng phụ bất lợi như: tiêu cơ, rối loạn tiêu hóa, đau đầu, nhịp tim nhanh...

Dựa trên nghiên cứu lâm sàng và cận lâm sàng, người ta nhận thấy giữa chứng rối loạn lipid máu  và chứng đàm thấp của y học cổ truyền có nhiều điểm tương đồng:
- Yếu tố thể chất do tiên thiên quyết định, thường là tiên thiên bất túc, yếu tố này có thể hiểu tương tự như yếu tố di truyền của y học hiện đại.
- Yếu tố ẩm thực: do ăn qúa nhiều các chất cao lương mỹ vị, thức ăn ngọt béo làm tổn thương tỳ vị dẫn đến bệnh. Yếu tố này tương tự như việc ăn quá nhiều thức ăn giàu mỡ động vật chứa nhiều acid béo no theo quan niệm của y học hiện đại
- Yếu tố ít vận động thể lực: Y học cổ truyền cho rằng nằm nhiều hại khí, ngồi nhiều hại cơ nhục mà gây bệnh. Y học hiện đại đã chứng minh vận động thể lực làm giảm LDL-C ( cholesterol xấu)  và làm tăng  HDL-C  (cholesterol tốt) giảm nguy cơ xơ vữa động mạch
- Yếu tố tinh thần: lo nghĩ nhiều hại tỳ, giận dữ hại can sinh ra bệnh. Đây chính là căng thẳng tinh thần ( stress ) của  y học hiện đại
 Vì vậy việc điều trị chứng đàm thấp mang lại hiệu quả khá cao trong việc kiểm soát những bệnh nhân rối loạn lipid máu và cần tuân thủ các nguyên tắc sau: Trước hết phải sử dụng các biện pháp không dùng thuốc để điều chỉnh các yếu tố gây bệnh trong vòng 2- 3 tháng:
- Chế độ ăn: giảm mỡ động vật, óc, tim, gan, trứng, hạn chế bia,rượu.... Ăn nhiều cá, rau quả tươi, sữa đậu nành...
- Tăng cường hoạt động thể lực: thể dục vừa sức, đi bộ, xoa bóp dưỡng sinh, hoạt động thể lực làm tăng cholesterol tốt
- Lao động trí óc: cần điều độ, tránh strees, nghỉ ngơi hợp lý
 
Rối loạn lipid máu ở mức độ nhẹ và vừa người ta khuyên dùng thảo dược vì hầu như không có tác dụng phụ. Một số vị thuốc đông y đã được nghiên cứu riêng lẻ trên lâm sàng như Ngưu tất, nghệ, tỏi...và một số bài thuốc như Nhị trần thang gia giảm, giáng chỉ ẩm... có nguồn gốc từ thảo mộc đã và đang được dùng phổ biến để điều trị bệnh. Chế phẩm Cholestin ngoài thành phần ngưu tất, nghệ còn có hòe hoa, một vị thuốc chứa nhiều rutin nên có tác dụng làm hạ cholesterol máu ,bền thành mạch, hạ huyết áp... nên dùng thích hợp đối với những bệnh nhân rối loạn lipid máu hoặc có kèm tăng huyết áp .
 

 
ThS .Bs . Nguyễn Văn Ánh
 Phó Giám Đốc Bệnh viện YHCT Đà Nẵng

XÁC NHẬN THÔNG TIN
1. Nếu bạn là Cán bộ Y tế: Đây là những nội dung tóm tắt hướng dẫn sử dụng thuốc. Vui lòng xem tờ hướng dẫn sử dụng để có đầy đủ thông tin.
2. Nếu bạn là Người sử dụng thuốc: Vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hướng dẫn sử dụng thuốc.