Tin tức / Hoạt động nghiên cứu

Lung linh một thương hiệu hàng Việt cao “SAO VÀNG", kỳ I

30/06/2015
Khi nói về những vật phẩm gia dụng, những thực phẩm gần gũi thân thiết đã gắn bó với biết bao người một thời, người người vẫn hay nhắc: (giày) dép nhựa Tiền Phong, bánh xà phòng Hoa Cúc, ổ bánh mì “quốc doanh”, thuốc Xuyên tâm liên và hộp cù là Cao Sao Vàng… Việc một sản phẩm hết sức nhỏ bé - cao Sao Vàng- đã đạt được sự tồn tại hơn 40 năm và trở thành một thương hiệu, vẫn đang tiếp tục phát triển, khiến tất cả chúng ta phải suy nghĩ.

Lai lịch một sản phẩm thân quen nhưng có thể … bạn chưa hề biết
Những năm sau hòa bình năm 1954 và trước đó, trong kháng chiến chống Pháp, người Việt Nam đã biết tới một sản phẩm thông dụng là dầu Cù là. Phổ biến nhất là nhãn hiệu Con Hổ (Tiger Balm), một lọai cao xoa đóng hộp thiếc như bây giờ, có màu cánh dán. Sản phẩm do các thương gia người Hoa ở Singapor (trước đó là người Mã lai) sản xuất và đem vào Việt Nam.

Sau Hòa bình năm 1954, Miền Bắc bắt đầu xây dựng lại hệ thống Y tế, hệ thống các đơn vị chuyên kinh doanh, sản xuất thuốc. Khuyến khích và đẩy mạnh sản xuất thuốc từ dược liệu sẵn có trong nước là một ưu tiên mũi nhọn trong phát triển ngành Dược. Với sự giúp đỡ một phần của Trung Quốc, một Xí nghiệp chuyên sản xuất thuốc từ Dược liệu đó đã được thành lập theo Quyết định số 143/QĐ-BYT, ngày 11/02/1962 ở Hải phòng, được gọi là XNDP 3 - nay là Công ty CP Dược phẩm TƯ 3

Vốn là một sản phẩm thông dụng, dầu Cù là một lọai được chỉ đạo nghiên cứu đưa vào sản xuất để phục vụ nhân dân. Việc nghiên cứu và đưa vào sản xuất ở thời điểm đó không hề dễ dàng. Phải đến khỏang năm 1968-1969, sản phẩm mới được coi là ổn định về chất lượng với thể chất bền trong các điều kiện thời tiết khác nhau, mặt cao mịn, có màu cánh dán, có tên thương phẩm là Cao Sao Vàng

Từ đó, cao Sao vàng được sử dụng rộng rãi ở miền Bắc. Thời đó, ra nước ngòai để du học hoặc đi công tác thì địa chỉ đến đều chủ yếu là các quốc gia XHCN Đông Âu. Đến xứ lạnh, nhiều người mang theo cao Sao Vàng để sử dụng cho bản thân, làm quà cho bạn bè trong nhà và cũng là thứ có ý nghĩa, lại gọn để biếu cho bạn bè quốc tế. Có lẽ vì thế mà cao Sao Vàng được người dân một số nước biết tới.

Sau Giải phóng, năm 1975, Chính phủ ta và Liên xô ký Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác toàn diện. Trao đổi hàng hóa được đẩy mạnh. Cao Sao Vàng được chọn là một trong những mặt hàng của ta xuất khẩu cho Liên xô và được ghi vào Nghị định thư. Bộ Y tế được giao chỉ đạo việc sản xuất cao Sao Vàng để thực hiện Nghị định thư, Tổng công ty Dược chịu trách nhiệm triển khai cụ thể.

Do lượng yêu cầu xuất khẩu lớn trong khi năng lực sản xuất của các Xí nghiệp còn nhỏ, năm 1979 Tổng công ty quyết định giao cho 5 Xí nghiệp thực hiện việc sản xuất, theo một công thức thống nhất. 5 Xí nghiệp đó là : XNDP 3 Hải phòng, XNDP Hà nội, XNDP Quảng nam-Đà nẵng, XNDP 2/9 TP.HCM và XNDP 26. Toàn bộ sản phẩm của các Xí nghiệp những năm đầu đều được giao cho Công ty XNK Khoáng sản (MINEXPORT) thực hiện giao dịch xuất khẩu. Cuối năm 1984, Bộ Y tế thành lập Công ty XNK Y tế (VIMEDIMEX) trên cơ sở những cán bộ đang đảm nhiệm việc xuất khẩu thuốc ở MINEXPORT chuyển sang cùng với các cán bộ mới. Trụ sở chính của VIMEDIMEX đặt tại TP. Hồ chí Minh. Bộ phận tại Hà nội được gọi là Chi nhánh Hà nội. Từ năm 1985, công việc xuất khẩu do VIMEDIMEX đảm nhiệm.

Danapha - doanh nghiệp đại diện ngành Dược Đà Nẵng vào cuộc
Trước khi được giao sản xuất Cao Sao Vàng xuất khẩu, XNDP QN-ĐN đã tự tổ chức nghiên cứu và sản xuất sản phẩm này cũng với tên Cao Sao vàng. Hồi đó, chưa có các quy định về sở hữu trí tuệ đối với nhãn hiệu hàng hóa, vả lại, việc sản xuất, phân phối được hiểu là chỉ phục vụ trong địa phương nên phương án sản xuất được Ủy ban Kế hoạch Tỉnh, Ty Y tế ủng hộ. Sản lượng được đưa vào kế họach không lớn, chỉ nhằm phục vụ trong tỉnh. Vì vậy, về mặt tổ chức sản xuất, Xí nghiệp chỉ hình thành một tổ sản xuất
Về mặt Kỹ thuật, XN phải tự nghiên cứu, xây dựng Quy trình sản xuất là chính. Bên cạnh đó, cũng cử cán bộ kỹ thuật đi tham quan, trao đổi kinh nghiệm với XNDP 3 – là đơn vị sản xuất sản phẩm này có đầy đủ kinh nghiệm và với XNDP 2 – là đơn vị được coi là "đỡ đầu" XNDP QN-ĐN sau Giải phóng.
 
 

Để được giao nhiệm vụ sản xuất cho xuất khẩu lại là một câu chuyện hoàn toàn không dễ dàng, không tự nhiên mà được. Xí nghiệp phải cử cán bộ ra Hà Nội làm thực hành sản xuất tại chỗ. Sản phẩm được Tổng công ty đánh giá, như là một cuộc "sát hạch".

Đoàn cán bộ của XN do DS Hoàng Xuân Cẩn, Giám đốc dẫn đầu. Những cán bộ tham gia chính trong cuộc "sát hạch" này là Ds Bích Hợp, Ds Phương Lan. Nhờ thực tế sản xuất và những kinh nghiệm có được, sản phẩm của Xí nghiệp được đánh giá vào loại tốt và được chọn là một trong 5 Xí nghiệp được giao sản xuất cho Xuất khẩu vào năm 1979.

Cũng cần nói thêm rằng, kết quả có được cũng nhờ sự mạnh dạn đầu tư của Ban Giám đốc vào khâu kiểm tra chất lượng. Một máy Sắc ký khí , mua từ Công ty Vật tư Khoa học tỉnh, đã được đầu tư cho Phòng kiểm nghiệm, vào thời đó được coi như là một bước đột phá về mặt kỹ thuật. Có thể coi quyết tâm đưa cao Sao Vàng vào sản xuất và trở thành sản phẩm chủ lực của Xí nghiệp là một quyết tâm mang tính chiến lược và thành công của Ban Giám đốc Xí nghiệp lúc đó.

Sản lượng cao Sao Vàng xuất khẩu hàng năm được giao khoảng từ 10–15 triệu hộp. Năm nhiều nhất là 1983, với sản lượng được giao là 20 triệu hộp. Năm 1986 là năm cuối cùng có chỉ tiêu này, sản lượng được giao thấp hẳn, chỉ có 4 triệu hộp. Nói chung, sản lượng được giao so với năng lực thực hiện của Xí nghiệp là không quá lớn. Tuy nhiên, do cách giao chỉ tiêu, việc cung ứng vật tư không được suôn sẻ, nên gần như sản lượng ấy bị dồn vào hai quý cuối năm. Cuối năm nào cũng vất vả. Tăng ca, mở chiến dịch thi đua nước rút 60 ngày đêm...là điệp khúc thường diễn ra. Nhờ sự phấn đấu của tập thể lao động, năm nào, Xí nghiệp cũng hoàn thành kế hoạch được giao
 
Dược sĩ Đống Việt Thắng
 

XÁC NHẬN THÔNG TIN
1. Nếu bạn là Cán bộ Y tế: Đây là những nội dung tóm tắt hướng dẫn sử dụng thuốc. Vui lòng xem tờ hướng dẫn sử dụng để có đầy đủ thông tin.
2. Nếu bạn là Người sử dụng thuốc: Vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hướng dẫn sử dụng thuốc.