Tư vấn / Tư vấn dùng thuốc

Thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận


         Kháng sinh (antibiotic) là các thuốc dùng trong y học, có tác dụng phòng ngừa và tiêu diệt vi khuẩn. Nhiều năm nay, các bác sĩ đã khuyến cáo về sự nguy hiểm của việc lạm dụng kháng sinh. Một số nghiên cứu mới đây đã chỉ ra thêm một nguyên nhân nữa khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về việc sử dụng kháng sinh để điều trị bệnh - đó là: “Thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận”.

         Theo một nghiên cứu đăng trên tạp chí “Journal of the American Society of Nepherology”, uống thuốc kháng sinh có liên quan đến nguy cơ hình thành sỏi thận và nguy cơ cao nhất nằm ở nhóm trẻ em và người trưởng thành. Nghiên cứu cũng cho rằng nguy cơ bị sỏi thận thường tăng cao vài năm sau khi sử dụng thuốc kháng sinh. Để tìm hiểu mối liên hệ giữa sử dụng kháng sinh và sỏi thận, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra liệu việc sử dụng kháng sinh có khả năng tác động lên nguy cơ sỏi thận. Các bác sĩ đều biết rằng kháng sinh thay đổi các thành phần vi sinh vật trong cơ thể, bao gồm cả vi sinh vật trong ruột. Nghiên cứu trước đây cũng đã chỉ ra rằng việc phá vỡ hệ vi khuẩn trong đường ruột và đường tiết niệu có thể liên quan đến sỏi thận. Cụ thể, kháng sinh làm giảm vi khuẩn Oxalobacter trong ruột - vi khuẩn này có khả năng ngăn ngừa một số dạng sỏi thận hình thành. 
Các nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng trong các loại thuốc kháng sinh, việc uống 5 loại kháng sinh sau đây có nguy cơ làm tăng khả năng hình thành sỏi thận trong 3-12 tháng sau đó, bao gồm: sulfas dạng uống, cephalosporins, fluoroquinolones, nitrofurantoin và  penicillins phổ rộng. Nguy cơ hình thành sỏi thận liên quan đến những loại thuốc này cao lần lượt gấp 1,3  - 2,3 lần những người bình thường không dùng kháng sinh. Nguy cơ này giảm dần theo thời gian nhưng vẫn duy trì trong khoảng 3 - 5 năm sau khi sử dụng kháng sinh. 
 
Thuốc kháng sinh có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận
 
         Các nhà nghiên cứu cho rằng việc chúng ta bao nhiêu tuổi, tiếp xúc với chất gì và tiếp xúc khi nào cũng đều quan trọng như nhau. Chẳng hạn, một số thuốc bà bầu sử dụng thuốc trong suốt thai kỳ có thể dẫn đến những hệ lụy đối với đứa trẻ sau này. Nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định, uống một số loại kháng sinh nhất định có thể làm tăng nguy cơ sỏi thận và nguy cơ cao nhất thường gặp ở độ tuổi nhỏ hơn cả. Khẳng định này nhấn mạnh sự cần thiết của việc tránh lạm dụng kháng sinh, cần lựa chọn loại kháng sinh phù hợp và ưu tiên những phương pháp không sử dụng kháng sinh, đặc biệt đối với những người đã có sẵn nguy cơ sỏi thận. 
         Mặc dù giới chuyên môn vẫn còn tranh cãi về nguy cơ sỏi thận và kháng sinh - họ cho rằng vẫn chưa có đủ bằng chứng về mối quan hệ “nhân quả” giữa hai vấn đề này, nghiên cứu vẫn đưa ra những số liệu cho thấy rằng có mối quan hệ nhất định giữa việc thay đổi thành phần vi sinh vật trong cơ thể có thể gây sỏi thận. Nghiên cứu này không cho rằng kháng sinh không nên được sử dụng mà nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sử dụng kháng sinh một cách hợp lý.
         Rõ ràng kháng sinh rất quan trọng trong y khoa, nhưng cả bác sĩ và bệnh nhân đều nên có kiến thức về việc sử dụng kháng sinh một cách đúng đắn. Không chỉ có thể tăng nguy cơ sỏi thận, lạm dụng kháng sinh còn dẫn đến nhiều vấn đề sức khỏe khác như kháng thuốc kháng sinh hay giảm lượng vi khuẩn có lợi cho cơ thể. Do đó, khi được chỉ định dùng kháng sinh, cần hỏi bác sĩ mức độ cần thiết, sự an toàn và có cách nào thay thế không. Đặc biệt, đối với những người có sẵn nguy cơ sỏi thận, chỉ nên uống thuốc kháng sinh khi cần thiết và kiểm soát các yếu tố nguy cơ khác có thể làm tăng thêm nguy cơ như: béo phì, uống thiếu nước, ăn nhiều muối,...
 
 

XÁC NHẬN THÔNG TIN
1. Nếu bạn là Cán bộ Y tế: Đây là những nội dung tóm tắt hướng dẫn sử dụng thuốc. Vui lòng xem tờ hướng dẫn sử dụng để có đầy đủ thông tin.
2. Nếu bạn là Người sử dụng thuốc: Vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hướng dẫn sử dụng thuốc.