Tư vấn /
Tư vấn dùng thuốc
Bệnh tay chân miệng
Dịch sởi vừa được khống chế thì bệnh tay chân miệng lại có dấu hiệu bùng phát. Cần phải nắm rõ thông tin về bệnh để bảo vệ gia đình khỏi bệnh tay, chân, miệng:
Bệnh tay, chân, miệng thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em. Bệnh thường được đặc trưng bởi sốt, đau họng và nổi ban có bọng nước. Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ sau đó biến thành các bọng nước và thường tiến triển đến loét. Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Ban da xuất hiện trong vòng 1 đến 2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, máu đỏ và một số hình thành bọng nước. Ban này không ngứa và thường khu trú ở lòng bàn tay hoặc lòng bàn chân. Tuy nhiên ban có thể xuất hiện ở mông. Một số trường hợp, ban chỉ xuất hiện ở miệng mà không thấy ở các vị trí khác.
Các dấu hiệu và triệu chứng
- Sốt, nhức đầu, mệt mỏi, khó chịu
- Ói mửa
- Đau lan lỗ tai
- Đau họng
- Thương tổn đau rát ở răng và miệng
- Phát ban không ngứa toàn thân, kèm theo đó là nhiều nốt mụn trên lòng bàn tay và lòng bàn chân
- Loét miệng
- Mụn lở và giộp da trên xuất hiện trên mông của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ
- Trẻ sơ sinh và trẻ mới biết đi trở nên khó chịu
- Biếng ăn, tiêu chảy
Điều trị
Hiện tại vẫn chưa có cách thức điều trị cụ thể cho bệnh tay chân miệng mà bệnh phát triển và lành một cách tự nhiên. Tuy nhiên, bác sĩ có thể hướng dẫn một số cách chăm sóc tại nhà để bé cảm thấy dễ chịu hơn.
Các thuốc paracetamol hay ibuprofen có thể được dùng để bé đỡ đau nhức, lở miệng hay cảm giác khó chịu do sốt (Không sử dụng thuốc aspirin cho trẻ em)
Trẻ em bị loét miệng có thể dùng nước súc miệng để giảm đau. Các món ăn lạnh như kem cũng có thể làm giảm đau ở chỗ loét.
Trẻ em bị nổi bọng nước ở tay chân thì phải luôn giữ tay chân sạch sẽ (thường xuyên rửa tay với nước và xà phòng), không được băng bó lại. Đối với những bọng nước đã bị vỡ thì nên bôi thuốc mỡ kháng sinh để tránh nhiễm trùng và dùng miếng băng nhỏ băng lại.
Quan trọng là phải cho bé uống nhiều nước để tránh tình trạng mất nước. Nếu các triệu chứng trở nên xấu đi như bé vẫn cảm thấy rất khó chịu, hôn mê, có các dấu hiệu mất nước như lưỡi khô, mắt trũng, giảm lượng nước tiểu thì phải cho bé đi khám lại ngay.
Bệnh tay chân miệng thường tự khỏi trong vòng vài ngày đến 1 tuần và trẻ sẽ hồi phục hoàn toàn. Rất ít trường hợp dẫn đến các biến chứng như viêm màng não hay viêm não.
Phòng bệnh lây lan
Hiện tại chưa có thuốc phòng ngừa bệnh tay chân miệng. Bệnh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm và có thể lây lan qua tiếp xúc với phân, nước bọt, dịch nhầy từ mũi hoặc chất dịch từ mụn nước. Ngay cả sau khi phục hồi, trẻ em có thể truyền virus trong phân của họ trong vài tuần, vì vậy vẫn có thể lây bệnh cho người khác ngay cả khi họ không còn bị bệnh.
Rửa tay sạch sẽ là cách phòng ngừa bệnh tay chân miệng tốt nhất. Do đó, hãy thường xuyên rửa tay cho bé và nhắc nhở mọi người trong gia đình rửa tay sạch sẽ, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và trước khi nấu ăn cho cả nhà. Cũng cần phải vệ sinh đồ chơi của trẻ cho sạch bởi vì virus gây bệnh có thể sống trên các vật chủ này trong vài ngày.