Tư vấn / Tư vấn dùng thuốc

Các nguyên nhân phổ biến gây đau mắt đỏ (P1)


Mùa hè là dịp nhiều dịch bệnh bùng phát, trong đó có đau mắt đỏ. Đau mắt đỏ nói chung có thể là biểu hiện của các tình trạng như viêm kết mạc, loét giác mạc, hội chứng khô mắt và viêm bờ mi. Bài viết này liệt kê một số nguyên nhân có thể gây ra mắt đỏ, cũng như là triệu chứng, cách điều trị và cách phòng ngừa bệnh kịp thời.

1. Đau mắt đỏ do nhiễm trùng kết mạc
Kết mạc là một màng mỏng trong suốt lót bên trong mí mắt, che phủ phần lòng trắng của mắt. Nếu vùng này bị sưng và kích ứng do nhiễm trùng thì được gọi là viêm kết mạc, hay đau mắt đỏ.
Có nhiều nguyên nhân gây viêm kết mạc, trong đó nguyên nhân từ virus chiếm tới 80 %. Các nguyên nhân khác bao gồm: Vi khuẩn, nấm, tiếp xúc với hóa chất hoặc chất gây dị ứng, dị vật trong mắt và sử dụng kính áp tròng.
Bệnh thường lây lan do tiếp xúc trực tiếp với ngón tay hoặc vật dụng cá nhân của người bệnh. Ngoài ra, vì có thể liên quan đến nhiễm trùng đường hô hấp trên nên ho cũng có thể là một phương thức truyền bệnh.

Một số dấu hiệu và triệu chứng của viêm kết mạc bao gồm:
- Ngứa mắt
- Chảy nước mắt
- Đỏ mắt
- Có gỉ mắt
- Mắt nhạy cảm với ánh sáng
- Tầm nhìn kém
- Cảm giác khó chịu xuất hiện ở một hoặc cả hai mắt
Điều trị viêm kết mạc tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Đối với viêm kết mạc do virus, bệnh có thể tự khỏi mà không cần điều trị và thường không gây ra bất kỳ vấn đề lâu dài nào. Đối với viêm kết mạc do vi khuẩn, cần điều trị bằng kháng sinh hoặc thuốc tra mắt.  

Để tránh lây lan bệnh viêm kết mạc, nên:
- Rửa tay thường xuyên.
- Tránh dụi mắt.
- Tránh dùng chung thuốc nhỏ mắt, mỹ phẩm, khăn hoặc vỏ gối.
- Tháo kính áp tròng vào ban đêm.
Sau khi hết viêm kết mạc, những người đã khỏi bệnh nên bỏ kính áp tròng, dung dịch hoặc đồ trang điểm mắt mà họ đã sử dụng trong thời gian bị nhiễm trùng để ngăn ngừa tái nhiễm.
2. Đau mắt đỏ do viêm kết mạc dị ứng
Viêm kết mạc dị ứng có thể xảy ra do các tác nhân như bụi, phấn hoa hoặc vẩy da động vật, trong đó, phấn hoa được xem là nguyên nhân phổ biến nhất. Ngoài ra, việc đeo kính áp tròng quá lâu và dung dịch vệ sinh kính áp tròng cũng có thể gây ra phản ứng này. Tuy vậy, viêm kết mạc dị ứng không có tính lây nhiễm.

Nguồn tham khảo:
https://www.medicalnewstoday.com/articles/316179#infective-conjunctivitis
https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/ket-mac-la-gi-chuc-nang-cua-ket-mac

XÁC NHẬN THÔNG TIN
1. Nếu bạn là Cán bộ Y tế: Đây là những nội dung tóm tắt hướng dẫn sử dụng thuốc. Vui lòng xem tờ hướng dẫn sử dụng để có đầy đủ thông tin.
2. Nếu bạn là Người sử dụng thuốc: Vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hướng dẫn sử dụng thuốc.