Tư vấn / Tư vấn dùng thuốc

Các bệnh trẻ em thường mắc trong mùa hè và cách phòng tránh


Mùa nắng nóng trẻ hay mắc một số bệnh sau: viêm mũi họng, viêm phổi, phế quản, tiêu chảy, sốt phát ban, sởi, thủy đâu, viêm não Nhật Bản, sốt xuất huyết …
 
1. Tiêu chảy: là tình trạng đi ngoài phân lỏng tóe nước trên 3 lần/ngày. Tiêu chảy kéo dài dưới 14 ngày gọi là tiêu chảy cấp và từ 14 ngày trở lên gọi là tiêu chảy kéo dài. Nguyên nhân gây tiêu chảy ở trẻ em có thể là do vi khuẩn hoặc do virus.
Cách phòng chống
- Cải thiện dinh dưỡng: nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn đến 4 – 6 tháng tuổi, chỉ ăn sam sau 4 – 6 tháng tuổi nếu mẹ đủ sữa. Thành phần thức ăn được chia theo ô vuông thức ăn: glucid, protid, lipid, vitamin và muối khoáng. Bảo quản và chế biến thức ăn hợp lý, hợp với khẩu vị của trẻ, đảm bảo vệ sinh. Dùng nước sạch, dụng cụ đựng nước có nắp đậy. Nước sinh hoạt phải xa chuồng gia súc, hố xí, cống thoát, rãnh thải; tránh dùng nước bị ô nhiễm. Nước uống phải được đun sôi; bình đựng có nắp; cốc, chén, thìa rửa sạch, khô ráo.
- Vệ sinh cá nhân và gia đình: tất cả các thành viên gia đình phải thực hiện rửa tay trước khi ăn, rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh, rửa tay trước khi làm thức ăn cho trẻ. Thực hiện tiêm chủng đầy đủ theo khuyến cáo của chương trình tiêm chủng mở rộng.
2. Sốt phát ban: Do virus gây ra. Thường có sốt cao 39 – 40 độ C, trẻ biếng ăn, quấy khóc, nằm li bì, có khi còn bị co giật. Ngoài ra trẻ còn có dấu hiệu ho, sổ mũi. Khi xuất hiện ban trên cơ thể thì trẻ sẽ giảm bớt sốt. Đối với những trẻ sốt phát ban không sốt cao các bà mẹ sẽ nhận biết muộn hơn, vì vậy cần chú ý không được chủ quan để tránh những biến chứng do bệnh gây ra. Nếu trẻ sốt phát ban có kèm theo triệu chứng đau đầu, nôn ói, co giật, … nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Cách phòng chống
Các bậc cha mẹ cần vệ sinh sạch sẽ cho trẻ, nhỏ mắt, mũi bằng dung dịch tránh nhiễm khuẩn. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng để tăng cường sức đề kháng. Nên cho trẻ uống nhiều nước, ăn các loại trái cây giàu vitamin C, uống các loại nước ép hoa quả… Hạn chế tiếp xúc với những người bị bệnh bởi đây là bệnh rất dễ lây lan. Khi trẻ bị sốt cao cần đưa trẻ đến ngay trung tâm y tế điều trị.
3. Viêm não Nhật Bản B: Bệnh viêm não Nhật Bản B là một bệnh nhiễm khuẩn cấp tính ở hệ thần kinh trung ương do một loại virus thuộc nhóm Arbovirus gây nên. Virus được truyền sang người lành do muỗi Culex đốt. Bệnh thường xảy ra vào mùa hè, phổ biến từ tháng 5 – tháng 7. Bệnh có thể phát triển thành dịch. Viêm não Nhật Bản B là bệnh nguy hiểm nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chủ động phòng ngừa bằng cách tiêm vaccine viêm não Nhật Bản B đúng và đầy đủ. Vaccine viêm não Nhật Bản B được khuyến nghị tiêm cho trẻ từ 12 tháng tuổi trở lên, tiêm mũi thứ 2 sau mũi thứ nhật 1 tuần và tiêm mũi thứ 3 sau 1 năm, có thể tiêm nhắc lại sau 3 – 4 năm cho đến 15 tuổi. Bên cạnh đó, việc chủ động phòng tránh muỗi đốt như diệt muỗi, đi ngủ mắc màn, … là biện pháp để tích cực để phòng bênh.
4. Bệnh tay chân miệng (TCM): Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, nhiều nhất là ở nhóm trẻ dưới 3 tuổi, khả năng lây lan rất cao do một loại virus gây ra, bệnh liên quan đặc biệt đến vấn đề vệ sinh cá nhân và môi trường. Bệnh nguy hiểm thật sự nếu xuất hiện các biến chứng về thần kinh như run tay chân, co giật, gồng người, hốt hoảng, lơ mơ … Nếu gặp những biểu hiện này phụ huynh nên khẩn trương đưa trẻ đến bệnh viện để được chữa trị kịp thời.
Cách phòng chống
Giữ vệ sinh sạch sẽ nhà cửa, lau rửa vật dụng cá nhân, rửa và phơi nắng đồ chơi. Cho trẻ ăn thức ăn chín, uống nước đun sôi. Rửa tay sạch sẽ trước ăn và sau khi đi vệ sinh. Cách ly khi có người nhà hoặc trong lớp học có trẻ nghi ngờ bị bệnh. Cho trẻ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng, vitamin và ngủ chơi hợp lý.
Đi khám lại ngay khi có dấu hiệu nặng như: sốt cao liên tục >39 độ C khó hạ; Mệ mỏi hay thở yếu, tiêu lỏng hay nôn ói nhiều; Giật mình, chới với, run chi, quấy khóc; Bứt rứt khó ngủ, yếu hay liệt các chi, co giật hay hôn mê; Hiện tại chưa có vaccine phòng bệnh đặc hiệu, nên các biên pháp phòng bệnh chủ yếu sử dụng các biện pháp phòng bệnh phổ cập, áp dụng phòng bệnh cho bệnh lây qua đường tiếp xúc.
 
5.Sốt xuất huyết: Là một bệnh lây truyền do virus Dengue gây ra thông qua muỗi đốt.
Cách phòng chống
Tiêm phòng vaccine: lý tưởng nhất là có một vaccine có thể chống lại cả bốn loại huyết thanh virus gây bệnh. Tuy nhiên hiện nay đang còn nghiên cứu chưa có vaccine đặc hiệu.
Diệt muỗi Aedes aegypti truyền bệnh: là phương pháp phòng bệnh có hiệu quả nhất. Chủ yếu không tạo ra môi trường nước đọng để hạn chế muỗi đẻ trứng bằng cách đậy kín các dụng cụ chứa nước, giảm tối đa các vật dụng có thể chứa nước mưa (lốp xe cũ, chén bát cũ,…). Ngoài ra có thể dùng các loại sinh vật trong nước tiêu diệt trứng muỗi hoặc lăng quăng. Khi có dịch thì đôi khi phải cần đến phun thuốc diệt muỗi trên diện rộng. Một điểm đặc biệt là muỗi Aedes aegypti hoạt động vào ban ngày khác với nhiều loại muỗi khác do vậy ở những nơi nhiều muỗi này hoặc khi có dịch cần có các biện pháp để tránh muỗi đốt cả ban ngày.
 
6.Viêm màng não nhiễm khuẩn: Viêm màng não mủ là tình trạng bệnh lý doc ác vi khuẩn gây nên (đôi khi cả ký sinh trùng) có khả năng sinh mủ xâm nhập vào màng não. Bệnh cảnh lâm sàng chủ yếu là hội chứng nhiễm khuẩn cấp và hội chứng màng não (sốt cao, môi khô, lưỡi bẩn, co giật, cứng gáy,…)
Cách phòng chống
Cách li trẻ bị bệnh cho tới khi khỏi hoàn toàn. Khử trùng nơi ở theo quy trình vệ sinh phòng dịch; Với những trẻ có tiếp xúc với người bệnh, đặc biệt là não mô cầu và H. influenza cần dùng kháng sinh dự phòng; Rifampicin 10 – 20 mg/kg/24h trong 4 ngày.
Phòng bệnh bằng tiêm chủng: vaccine phòng H. influenza: tiêm cho trẻ từ 2 tháng tuổi; 3 mũi cách nhau 1 tháng; Vaccine phòng não mô cầu typ A: tiêm cho trẻ lúc 6 tháng tuổi và typ C lúc trẻ 18 tháng; Vaccine phòng phế cấu: chỉ tiêm cho trẻ suy giảm miễn dịch, bị cắt lách hoặc bệnh hồng cầu hình liềm đồng hợp tử.
 
7. Say nắng: mùa hè nhiệt độ tăng cao làm giãn mạch máu não tăng áp lức trên não, gây đau đầu, co giật, hôn mê.
Cách phòng chống:
Không cho trẻ chơi ngoài trời nắng nóng. Chống nắng cho trẻ bằng cách cho trẻ đội mũ rộng vành khi đi ra ngoài, mặc quần áo dài tay để vùng da không bị lộ ra ngoài, sử dụng kinh râm để bảo vệ mắt. Ngoài ra, có thể tăng cường  bổ sung các thực phẩm giàu carotene, vitamin C, vitamin E để hỗ trợ cho cơ thể của trẻ chống lại các ảnh hưởng của ánh nắng và sự oxy hóa. Cho trẻ uống nhiều nước.
 
8. Rôm sảy: rôm sảy là bệnh xảy ra trong mùa nắng nóng, khi nhiệt đột ăng cao do ở trẻ nhỏ tuyến mồ hơi chưa phát triển hoàn chỉnh nên việc điều tiết mồ hôi kém, da của trẻ dễ bị tác động bởi môi trường. Thời tiết nắng nóng, mồ hôi của trẻ sẽ tiết ra nhiều làm tắc nghẽn lỗ chân lông, các chất bẩn ứ đọng lại ở da gây viêm nang tuyến chân lông, ngứa ngáy và khó chịu ở trẻ. Rôm sảy chủ yếu mọc ở da đầu, cổ, vai, ngực và lưng, cũng có thể mọc ở kẽ nách hoặc háng.
Cách phòng chống: cho trẻ mặc quần áo rộng rãi, thoáng mát, vải miềm, thấm mồ hôi và chỗ ngủ phải đảm bảo thoáng khí, mát mẻ; Thường xuyên tắm gội cho trẻ sạch sẽ để giữ cho da được khô, sạch, lỗ chân lông được thông thoáng. Tắm bằng nước mát; Tránh thời tiết nắng nóng, có thể dùng quạt thông khí, máy điều hòa nhiệt độ.
 
PGS.TS. Nguyễn Trọng Thông - Tạp chí Dược & Mỹ phẩm
 
 

XÁC NHẬN THÔNG TIN
1. Nếu bạn là Cán bộ Y tế: Đây là những nội dung tóm tắt hướng dẫn sử dụng thuốc. Vui lòng xem tờ hướng dẫn sử dụng để có đầy đủ thông tin.
2. Nếu bạn là Người sử dụng thuốc: Vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hướng dẫn sử dụng thuốc.