Tin tức / Hoạt động Danapha

Danapha đầu tư sâu để đón TPP

18/08/2015
Khi biên giới ngành dược mở cửa hoàn toàn, các doanh nghiệp nội sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh trước công ty ngoại với công nghệ cao và vốn lớn.

Qua 50 năm hoạt động với hơn 226 mã sản phẩm, trong đó bao gồm 18 mã sản phẩm xuất khẩu, Công ty Cổ phần dược Danapha là một điển hình doanh nghiệp nhỏ gây tiếng vang lớn với các sản phẩm đông dược nổi tiếng như Bài Thạch trị sỏi thận, VG-5 hỗ trợ điều trị bệnh gan, Tadimax trị u xơ tuyến tiền liệt hay Dưỡng tâm an thần trị mất ngủ được Bộ Y tế bình chọn là “Ngôi sao thuốc Việt”. Tuy nhiên, trước thời điểm các hiệp định thương mại đã kí kết sắp có hiệu lực, Danapha buộc phải tăng tốc nếu không muốn bị bỏ lại.

Hiện tại, ngành dược Việt Nam khá manh mún dù có quy mô lên tới gần 3 tỉ USD. Thị phần các doanh nghiệp nội địa hiện chỉ chiếm khoảng 50%. Riêng mảng đông dược còn đóng góp khiêm tốn hơn, chỉ chiếm khoảng 1,55% giá trị thị phần. Hơn nữa, chỉ có khoảng 25/80 doanh nghiệp đạt chuẩn GMP của WHO Đông dược, còn lại là những cơ sở đông dược nhỏ không có đăng ký.
Trong bối cảnh đó, bước đi của Danapha vẫn là tấn công mảng đông dược bằng dược liệu tốt và công nghệ cao. Ông Nguyễn Quang Trị, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Danapha cho biết sau khi cổ phần hóa vào năm 2007, Công ty bắt đầu đẩy mạnh đầu tư theo mô hình khép kín, gồm vùng nguyên liệu, nhà máy và trung tâm nghiên cứu.
 
Cụ thể, Danapha đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất đông dược đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn GMP-WHO vào năm 2010, với công suất 235 triệu viên/năm và phát triển vùng nguyên liệu ở khu vực Đà Nẵng. Kết quả là sau 7 năm kể từ thời điểm cổ phần hóa, tốc độ tăng trưởng bình quân của Danapha đạt 15%/năm. Quy mô doanh thu đã mở rộng gần 2,7 lần, lên mức 349 tỉ đồng vào cuối năm 2014. Trong đó, doanh thu xuất khẩu đạt 3,2 triệu USD và lợi nhuận hơn 45 tỉ đồng.
Dù đạt được kết quả khả quan, nhưng Danapha vẫn còn đứng trước nhiều thách thức. Khi biên giới ngành dược được mở cửa hoàn toàn, các doanh nghiệp nội sẽ phải chịu áp lực cạnh tranh trước nhiều công ty ngoại với công nghệ cao và quy mô vốn nhiều hơn.
 
Nhà máy sản xuất đông dược đầu tiên tại Việt Nam đạt chuẩn GMP-WHO

Theo ông Trị, hướng đi của Danapha vẫn là tập trung vào những sản phẩm có hàm lượng chất xám và công nghệ cao. Hằng năm, Danapha chi 2 tỉ đồng cho việc nghiên cứu phát triển. Công ty cũng đã tiên phong ứng dụng công nghệ nano vào sản xuất dược phẩm. Năm 2009, Danapha thành lập Công ty Cổ phần dược Danasome, chuyên nghiên cứu và phát triển sản phẩm thuốc ứng dụng công nghệ này.

Về nguyên lý, nano là những loại hạt siêu nhỏ có kích thước từ 40-400 nm, giúp tăng khả năng hấp thu dược chất khi vận chuyển đến các cơ quan trong cơ thể. Có 2 dạng bào chế dược nano cơ bản là Phytosome và Liposome. Hiện Danapha đang ứng dụng triệt để công nghệ bào chế Phytosome để sản xuất các loại thuốc trị bệnh nội tiết và chăm sóc sức khỏe. Tiêu biểu như Gasmin hỗ trợ điều trị bệnh gan, dạ dày, Moflex hỗ trợ điều trị viêm và thoái hoá khớp, hay các loại dược mỹ phẩm chăm sóc sắc đẹp như Nano Curcumin, Nano Q10.

Bên cạnh đó, Danapha cũng đang hoàn tất nghiên cứu, chuẩn bị thương mại hoá thuốc tiêm Liposome Paclitaxel điều trị ung thư dựa trên công nghệ nano. Đây là đề án nghiên cứu khoa học cấp Nhà nước được Chính phủ giao cho Danapha vào năm 2013. Dự kiến đây sẽ là bước ngoặt đột phá trong sản xuất thuốc chữa bệnh ung thư, mang lại hiệu quả điều trị cao với chi phí thấp cho bệnh nhân Việt Nam.

Với những tiềm năng đó, Danapha có kế hoạch tăng quy mô thông qua niêm yết trên thị trường chứng khoán, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2016. Động thái này được cho là để chuẩn bị cho một số thương vụ đầu tư mới, thực hiện những bước tiến vượt bậc từ 2016 trở về sau.
 
Nguồn: http://nhipcaudautu.vn

XÁC NHẬN THÔNG TIN
1. Nếu bạn là Cán bộ Y tế: Đây là những nội dung tóm tắt hướng dẫn sử dụng thuốc. Vui lòng xem tờ hướng dẫn sử dụng để có đầy đủ thông tin.
2. Nếu bạn là Người sử dụng thuốc: Vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hướng dẫn sử dụng thuốc.