Tin tức /
Hoạt động nghiên cứu
Lung linh một thương hiệu hàng Việt cao “SAO VÀNG", kỳ II
30/06/2015
...
Mở rộng thị trường “bà đỡ” mát tay của phát triển
Sau năm 1986, xuất khẩu theo Nghị định thư hòan tòan chấm dứt, giai đoạn 1986-1990 là giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế đất nước. Công việc làm cho người lao động giảm nghiêm trọng do hàng hóa khó tiêu thụ. Mặt bằng nhận thức trong doanh nghiệp không thống nhất, tạo nên những phức tạp trong nội bộ. Một lọat các chủ trương, chính sách của Nhà nước về quản lý Doanh nghiệp được ban hành.
Sau năm 1986, xuất khẩu theo Nghị định thư hòan tòan chấm dứt, giai đoạn 1986-1990 là giai đoạn khó khăn nhất của nền kinh tế đất nước. Công việc làm cho người lao động giảm nghiêm trọng do hàng hóa khó tiêu thụ. Mặt bằng nhận thức trong doanh nghiệp không thống nhất, tạo nên những phức tạp trong nội bộ. Một lọat các chủ trương, chính sách của Nhà nước về quản lý Doanh nghiệp được ban hành.
Tác động mạnh mẽ nhất là Chỉ thị 217-HĐBT ngày 14/11/1987, ban hành các chính sách đổi mới kế hoạch hóa và hạch toán kinh tế XHCN đối với các Xí nghiệp quốc doanh. Quyết định đã trao quyền tự chủ trong sản xuất, kinh doanh cho các xí nghiệp quốc doanh. Xí nghiệp quốc doanh phải thực hiện hạch toán kinh tế, lấy thu bù chi, Nhà nước không bao cấp, bù lỗ như trước đây. Cuối năm 1991, Hội đồng Bộ trưởng ra Nghị định số 388 – HĐBT, ban hành Quy chế thành lập và giải thể doanh nghiệp Nhà nước.
Trong tình hình đó, Xí nghiệp chủ trương vẫn quyết tâm duy trì sản xuất, tích cực tiêu thụ sản phẩm. Đồng thời, Xí nghiệp đã thực hiện một giải pháp có tính chiến lược là kêu gọi, triển khai một đợt giảm biên chế, trên cớ sở tự nguyện và có trợ cấp vào đầu năm 1989. Kết quả, đã có một lượng giảm khá lớn, từ 920 xuống còn khoảng 480 lao động. Việc tách Xí nghiệp Liên hợp Dược thành hai Doanh nghiệp là Xí nghiệp Dược phẩm Đà nẵng (với 253 lao động) và Công ty Dược phẩm Tỉnh Quảng nam-Đà Nẵng được thực hiện vào cuối tháng 10/1992, dựa trên quy chế được quy định tại Nghị định 388-HĐBT. Việc thay đổi này đã tạo ngay ra sự phát triển vượt bậc của Xí nghiệp. Doanh thu sản xuất năm 1992 là 6 tỷ, năm 1993 đã tăng thành 18,3 tỷ. Điều quan trọng cùng với sự tăng trưởng đó là tính thống nhất trong nhận thức của người lao động đã cao hơn, niềm vui, sự tự tin vào con đường phát triển đã trở lại.
Cơ cấu sản phẩm trong thời kỳ này cũng bắt đầu thay đổi theo hướng giảm hoặc bỏ những sản phẩm đông dược ít có giá trị sử dụng và tăng các sản phẩm tân dược có tác dụng trong điều trị. Trong thời kỳ khó khăn này, XN vẫn quyết tâm đầu tư trang thiết bị cho sản xuất. Hướng ưu tiên cho thuốc viên. Máy dập viên RTM-41 và máy ép vĩ bấm Formapack được trang bị trong thời gian này.
Dù diễn biến thay đổi cơ cấu sản phẩm của Xí nghiệp như thế nào, cao Sao Vàng vẫn luôn là chủ lực, có thời kỳ chiếm tới 60-70% doanh thu sản xuất. Lao động của Phân xưởng này vẫn luôn đông nhất trong các phân xưởng. Giữ vững và phát triển Cao sao vàng trong tình hình đó, đối với Xí nghiệp vừa có ý nghĩa về kinh tế, vừa có ý nghĩa về mặt xã hội. Trong bối cảnh tự hạch toán về kinh tế, thị trường lúc này đã được xóa bỏ ranh giới về địa lý hành chính, nhiều xí nghiệp cùng sản xuất và cạnh tranh, để phát triển được, xí nghiệp phải có các giải pháp cụ thể. Có ba nhóm giải pháp, được tập thể lao động dốc lòng cùng thực hiện:
- Chuyển đổi cách quản lý sản xuất từ tính theo công chuyển sang tính theo sản phẩm (hộp). Phương pháp này thực chất đã làm tăng năng suất lao động một cách đáng kể. Nếu trước đây được tính một công là 400 hộp, thì theo phương pháp khoán mới, thực tế một công đạt được 1.200 hộp. Năng suất tăng làm giảm giá thành của sản phẩm, trong khi thu nhập thực của người lao động tăng lên đáng kể, đã góp phần làm tăng tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.
- Lựa chọn Nhà cung ứng các nguyên liệu chính và ký kết hợp đồng mang tính kế hoạch dài hạn nhằm ổn định lượng và giá nguyên liệu đầu vào, đảm bảo tính chủ động trong sản xuất.Đây cũng là một yếu tố góp phần làm giảm giá thành sản phẩm
- Đẩy mạnh tiêu thụ, chú trọng tìm lại các đầu mối xuất khẩu. Lượng tiêu thụ sẽ quyết định cho việc duy trì và phát triển sản xuất. Vì lẽ ấy mà Xí nghiệp đã chủ động tiếp cận các thị trường trong nước. Các tỉnh ở phía bắc vẫn là nơi quen với mặt hàng cao Sao Vàng, được phân phối bởi Công ty DLTƯ1 và Trung tâm Hỗ trợ Dược với vai trò là đại lý. sau này, khi thành lập Chi nhánh Hà nội thì Chi nhánh đảm nhận vai trò này.
Ở miền Trung, việc phân phối do cơ sở Phú Mỹ đảm nhiệm như là một đại lý. Lượng bán thường 400.000-500.000 hộp/tháng. Nhờ chất lượng đảm bảo và ổn định, giá lại cạnh tranh được nên sản xuất được duy trì khá tốt, trong khi nhiều doanh nghiệp cùng sản xuất lại bị giảm dần, thu hẹp thị trường.
Về xuất khẩu,trong những năm đầu 90, mỗi năm XN chỉ xuất được một vài container qua một số khách hàng ở Liên Bang Nga. Nhìn chung, không có hiệu quả. Từ năm 1997, một công ty của người Việt tại LB Nga thương thảo với Xí nghiệp, nhận trách nhiệm phân phối cao Sao Vàng tại LB Nga và các nước SNG với lượng tối thiểu 7 triệu hộp/năm. Xem xét trên nhiều khía cạnh, XN đã chấp thuận, thống nhất các điều kiện để thực hiện được tốt va lâu dài. Sự hợp tác này kéo dài cho đến nay.
Một thương hiệu Việt không ngừng phát triển, tạo dấn ấn
Hiện nay, ở trong nước có rất nhiều đơn vị đăng ký, sản xuất mặt hàng Cao Sao vàng. Tuy nhiên, trên thực tế chỉ có một số rất ít các doanh nghiệp duy trì được một sản lượng có ý nghĩa. Danapha là một trong số ít đó.
Nhờ làm tốt công tác thị trường, với một chất lượng luôn tốt và ổn định, thị trường Liên bang Nga đã trở thành thị trường chủ yếu. Với lượng cung cấp khỏang hơn 10 triệu hộp/năm, chữ “Sao Vàng” đã thành một thương hiệu ở LB Nga. Từ thực tế của thị trường, bộ sản phẩm mang tên “Sao vàng” được hình thành, bao gồm : Cao Sao vàng, Dầu xoa Sao vàng, Ống hít Sao vàng. Do yêu cầu của thị trường, mẫu mã bao bì được thiết kế lại cho phù hợp.
Mãi mãi niềm tự hào về một thương hiệu Việt
Từ LB Nga, cao Sao Vàng vẫn cần mẫn vươn tới thị trường các nước lân cận. Mới đây, một khách hàng ở CHLB Đức đã bắt đầu mua sản phẩm này và cho biết đã bán hết 3.000 hộp trong vòng 1 tháng. Lý do của sự trở lại này, bởi họ đã được nhiều khách hàng tới hỏi mua Cao Sao vàng của Danapha–Việt nam, với một bao bì cũ , mang theo để chỉ cho rõ. Họ cung cấp một sự giải thích đơn giản : “Ngày trước, mẹ tôi thường dung sản phẩm nay, tốt lắm”. Một suy nghĩ đơn giản làm cho người sản xuất càng thấm sâu ý nghĩa lớn lao của việc tuân thủ và đảm bảo chất lượng sản phẩm.
Thương hiệu sản phẩm gắn với tên Nhà sản xuất làm tăng thêm uy tín của Nhà sản xuất trên thị trường. Nhờ đó, Danapha tiếp tục phát triển các sản phẩm đông dược khác vào LB Nga, duy trì và đẩy dần Kim ngạch xuất khẩu. Thương hiệu Cao Sao Vàng đang đóng vai trò dẫn dắt.
Vĩ thanh thay lời kết
Gần 30 năm một thương hiệu Cao Sao vàng. Thị trường khi thuận lợi, lúc khó khăn, nhưng không lúc nào Nhà sản xuất ngưng suy nghĩ, tìm tòi để gìn giữ và phát triển.
Người sử dụng cũng đã sang một thế hệ mới, tri thức cao hơn. Người sản xuất cũng đã sang một thể hệ mới, năng động hơn. Gìn giữ chất lượng tốt và ổn định cho sản phẩm kết hợp với các giải pháp thị trường thích hợp cho từng thời kỳ là điều cốt lõi để tồn tại và phát triển thương hiệu.
Điều cốt lõi ấy đã được thực hiện liên tục bởi các thế hệ cán bộ, công nhân của Danapha, từ chủ trương đến những giải pháp kỹ thuật cụ thể. Bản thân sự tồn tại và phát triển của Thương hiệu cao Sao Vàng là sự tưởng thưởng cho những cố gắng liên tục qua các thời kỳ, làm tăng thêm uy tín của nhà sản xuất.
Dược sĩ Đống Việt Thắng