Tư vấn /
Tư vấn dùng thuốc
4 nhóm bệnh gặp nhiều nhất khi thời tiết chuyển lạnh
Thời tiết chuyển lạnh, nhiệt độ thất cũng là điều kiện làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh. Vì vậy, người dân càng cần có biện pháp bảo vệ sức khỏe thích hợp.
Dưới đây là 4 nhóm bệnh phát triển mạnh khi thời tiết chuyển lạnh cho đến nay:
Bênh cảm cúm, viêm phế quản
Thời tiết chuyển sang lạnh, không khí lúc ẩm, lúc hanh khô có thể khiến cho các loại virus gây bệnh sinh sôi mạnh, khiến cho hệ miễn dịch của cơ thể suy yếu và bạn rất dễ mắc bệnh, đặc biệt là bệnh cúm, viêm phế quản. Nếu thấy hiện tượng chảy nước mắt, nước mũi, hắt xì liên tục, đau đầu chóng mặt, bạn nên nghĩ đến khả năng mình đã mắc các bệnh này.
Biểu hiện của bệnh viêm phế quản là trẻ gặp khó khăn khi thở, hơi thở nặng nhọc, giọng khò khè, ho nhiều và xuất hiện đờm…
Để phòng ngừa bệnh cúm, hãy ăn uống đầy đủ chất, uống nhiều nước, tập luyện thể dục thường xuyên để tăng sức đề kháng và rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ để loại trừ mầm bệnh trú ngụ trên cơ thể và có cơ hội vào trong cơ thể gây bệnh.
Ảnh minh họa
Bệnh dịch hạch
Theo thông báo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong 3 tháng qua tại Madagascar đã ghi nhận 119 trường hợp mắc bệnh dịch hạch (2% là dịch hạch thể phổi) trong đó có 40 trường hợp tử vong.
Dịch hạch là bệnh do trực khuẩn Yersinia pestis gây nên và lưu hành trong quần thể động vật thuộc bộ gặm nhấm (Rodentia), chủ yếu là các loại chuột sống gần người. Trung gian truyền bệnh dịch hạch là bọ chét. Vi khuẩn dịch hạch cũng có thể xâm nhập trực tiếp qua da có hoặc có thể do hít trực tiếp vi khuẩn dịch hạch tồn tại trong không khí khi có tiếp xúc trực tiếp với vật chủ bị bệnh hoặc chết vì dịch hạch, nhất là dịch hạch thể phổi.
Người mắc bệnh dịch hạch thường có những triệu chứng khởi phát đột ngột như ớn lạnh, đau đầu, đau cơ, đau bụng, buồn nôn và sốt cao 39-40 độ C, hoại tử các mô và cơ quan trong cơ thể dẫn đến tử vong.
Để chủ động phòng chống dịch hạch Cục y tế dự phòng đưa ra khuyến cáo:Người dân thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, đảm bảo thực phẩm ăn, uống được che, đậy an toàn..., tránh để chuột, bọ chét tiếp xúc, thực hiện các biện pháp diệt chuột, bọ chét hiệu quả.
Tiêu chảy do virus Rota
Bệnh tiêu chảy cấp do virus Rota dễ lây lan vì lượng virus thải ra trong phân rất lớn, hơn nữa virut rota lại sống được trong môi trường tự nhiên như trên các bề mặt tiếp xúc của đồ chơi, mặt bàn ghế, trong nước và trên da...
Virus Rota có khả năng lây nhiễm rất cao, tấn công nhanh và trực tiếp vào hệ tiêu hoá của trẻ, gây tiêu chảy, mất nước và có thể nguy hiểm đến cả tính mạng.
Khi trẻ nhiễm virus Rota, cha mẹ cần bù nước cho con bằng cách cho con uống đủ nước, uống cả loại nước hoa quả, oresol… Tuyệt đối không tự ý cho trẻ uống thuốc kháng sinh hoặc thuốc cầm tiêu chảy mà không có chỉ dẫn của bác sĩ.
Uống vaccine là một trong những giải pháp phòng bệnh hữu hiệu. Bên cạnh đó, cha mẹ cần hướng dẫn trẻ rửa tay thường xuyên với xà phòng diệt khuẩn, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ để loại trừ nguy cơ mắc bệnh.
Ảnh minh họa
Các bệnh khác như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm não Nhật Bản cũng xuất hiện trong mùa này.
Từ đầu năm đến nay, Hà Nội ghi nhận 1.667 ca sởi, sốt xuất huyết 883 ca, tay chân miệng 894 ca, viêm não Nhật Bản 22 ca… và các bệnh này vẫn có xu hướng xuất hiện trong thời điểm hiện nay.
Các bệnh như sởi, sốt xuất huyết, tay chân miệng… thường do virus gây ra và lây truyền qua đường hô hấp, tiêu hóa. Hơn nữa, mùa đông cũng là thời điểm thuận tiện cho virus phát triển nên việc phòng ngừa bệnh cũng rất quan trọng.
Với những bệnh có vaccine tiêm phòng, cha mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng để giảm nguy cơ mắc bệnh. Đối với các bệnh khác không có vaccine tiêm phòng hoặc trẻ chưa được tiêm thì cần lưu ý các biện pháp phòng bệnh khác như ăn uống lành mạnh, tránh tiếp xúc với người bệnh, giữ vệ sinh cơ thể sạch sẽ.
Lưu ý phòng bệnh trong mùa đông:
Để phòng tránh các bệnh trong mùa đông, người dân cần chăm sóc sức khỏe chu đáo hơn. Đối với trẻ nhỏ, cha mẹ càng cần giữ ấm để trẻ tránh nhiễm lạnh, đặc biệt là gió lạnh khi chiều về. Cần vệ sinh ăn uống và cơ thể cho trẻ thường xuyên bằng cách dùng xà phòng, sữa tắm diệt khuẩn để tránh nhiễm trùng và tăng nguy cơ mắc bệnh.
Hơn nữa, cha mẹ cũng cần lưu ý để trẻ không thực hiện thói quen ngoáy mũi, mút tay, hắt xì vào không khí... để tránh phát tán vi trùng. Nếu trẻ có dấu hiệu mắc bệnh, cần đưa trẻ đi khám để được điều trị kịp thời, không tự ý điều trị cho trẻ.
Theo afamily