Tư vấn /
Tư vấn dùng thuốc
Biết cách phơi nắng để sống khỏe
Việt Nam là nước nhiệt đới, quanh năm ngập tràn ánh nắng mặt trời, nhất là ở phía nam đất nước. Đặc biệt ở miền Nam chỉ có 2 mùa: mùa mưa và mùa nắng, nhiệt độ trung bình thường trên 300C. Do vậy, ánh nắng mặt trời đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của chúng ta, và với phần lớn chị em phụ nữ, nó là “kẻ thù không đội trời chung” vì làm sạm đi làn da mong manh và gây ra những vết tích “khủng khiếp” trên da như mụn trứng cá, tàn nhang, nám da, … Người ta đã tổng kết được những tác hại rõ rệt của ánh nắng mặt trời như sau:
- Là nguyên nhân chính gây ra sự phát triển bất thường của các tế bào hắc tố da (melanocyte), tiền đề của ung thư da. Thủ phạm chính là tia cực tím có trong ánh nắng.
- Thúc đẩy quá trình lão hóa da: phơi nắng quá nhiều sẽ gây mỏng da, da trở nên kém đàn hồi, nhiều nếp nhăn và tàn nhan …
- Tăng sừng hóa da: do tia UVB làm gia tăng sự sinh sản của tế bào sừng ở lớp thượng bì làm da dày lên, làm bít tắc các lỗ chân lông, sinh ra nhiều mụn trứng cá, viêm tuyến bã, …
- Phát sinh và làm nặng thêm một số bệnh ngoài da như herpes môi, trứng cá đỏ, sạm da, các hồng ban trên da…
- Tổn thương mắt: tia nắng mặt trời chiếu trực tiếp sẽ gây “bỏng” võng mạc, làm giảm thị lực.
- Không khó hiểu vì sao ngày nay mỗi khi ra đường chúng ta sẽ có cảm giác như bị lạc giữa một rừng “ninja” vì ai cũng che kín mít từ đầu đến chân, hầu như không lộ bất cứ phần da nào trên cơ thể ra nắng, ngay cả khi trời hầu như không có nắng. Đây là thói quen không tốt cho sức khỏe vì nó có thể gây thiếu vitamin D nghiêm trọng.
Vitamin D – vitamin từ trên trời rơi xuống
Không quá khi nói rằng vitamin D là một trong số ít vitamin có liên quan đến nhiều bệnh trong cơ thể, nhất là các bệnh mạn tính. Và một điều may mắn là chỉ cần 15 phút phơi nắng vào mỗi buổi sáng mùa hè là cơ thể đã có đủ vitamin D cần thiết. Mà ánh nắng thì không bao giờ thiếu ở xứ nhiệt đới như xứ ta. Ấy vậy mà theo những nghiên cứu dịch tễ học mới công bố, các chuyên gia cho rằng 40 – 50% dân số thế giới thiếu vitamin D, kể cả nước nhiệt đới. Thậm chí nghiên cứu tại Nhật và Hàn Quốc, tỉ lệ thiếu hụt vitamin D trong cộng đồng là 80 – 90%. Tuy chưa có nghiên cứu tương tự ở Việt Nam, nhưng chắc chắn con số này không hề thua kém các nước láng giềng, căn cứ vào số lượng áo chống nắng ngày càng nhiều trên đường phố như hiện nay. Ở các nước phát triển, người ta đã xem đây là một vấn nạn trong cộng đồng nên đã tìm cách bổ sung vitamin D từ nguồn thực phẩm như bơ, sữa, các loại cá nhiều dầu béo như cá hồi, cá trích, nấm khô, … Nhưng thật ra, lượng vitamin D từ thực phẩm chỉ đáp ứng từ 10 – 15% nhu cầu, 90 – 95% vitamin D cần thiết cho cơ thể được sản xuất từ … phơi nắng. Chỉ cần phơi nắng sớm khoảng 15 phút mỗi ngày là cơ thể đã sản xuất được tối thiểu 20.000 IU vitamin D (IU là đơn vị quốc tế), trong khi nhu cầu hàng ngày cho cơ thể chỉ từ 3.000 đến 5.000 IU. Đây là cách bổ sung vitamin D hiệu quả và rẻ tiền nhất.
Vai trò của vitamin D đối với cơ thể
- Là chất có vai trò quan trọng trong việc phát triển và duy trì hệ xương, tăng khả năng hấp thu calci của cơ thể. Thiếu vitamin D làm tăng nguy cơ loãng xương, thoái hóa khớp.
- Các nghiên cứu lâm sàng mới được công bố ở Mỹ cho thấy phụ nữ được bổ sung calci và vitamin D làm giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư với tỉ lệ gần 80%. Nguy cơ mắc bệnh ung thư giảm dần tỉ lệ nghịch với nồng độ vitamin D trong máu.
- Ngoài ra, các nghiên cứu gần đây còn cho thấy sự thiếu hụt vitamin D có liên quan chặt chẽ trong việc làm tăng nguy cơ mắc các bệnh như tim mạch, tăng huyết áp, tai biến mạch máu não, đái tháo đường, vẩy nến, viêm khớp, lao phổi, … Thai phụ thiếu vitamin D tăng nguy cơ sinh con bị dị tật, chấn thương não, …
- Các nghiên cứu còn cho thấy vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao hệ thống miễn nhiễm của cơ thể.
- Ngoài việc sản xuất vitamin D, ánh nắng còn giúp tiêu diệt mầm bệnh, làm tâm trạng trở nên phấn chấn, điều chỉnh nhịp sinh học của cơ thể và là liều thuốc an thần hữu hiệu nhờ vào việc ức chế sự sản sinh nội tiết tố melatonin vốn được cho là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh rối loạn cảm xúc theo mùa (một dạng bệnh trầm cảm).
Nguồn: Sức khỏe & Đời sống