Tư vấn / Tư vấn dùng thuốc

NHỮNG BỆNH TRẺ EM THƯỜNG MẮC PHẢI TRONG MÙA XUÂN


Nước ta đặc trưng bởi mùa đông xuân lạnh, mưa nhiều và ẩm. Đây là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn, virus phát triển nhanh, làm tăng nguy cơ gây bệnh cho con người, đặc biệt là trẻ em.

Các bậc phụ huynh nên chú ý đến một số loại dịch bệnh ở Việt Nam mà trẻ hay mắc phải vào mùa đông xuân như

Sởi: Là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp do virus Polynosa morbillorum gây ra. Bệnh lây truyền qua đường hô hấp, do dịch tiết mũi họng của người nhiễm bệnh theo không khí thoát ra khi người bệnh ho hoặc hắt hơi, nói chuyện,…

Bệnh sởi thường gặp ở trẻ nhỏ, người có miễn dịch kém, dễ dẫn đến biến chứng như viêm phổi, viêm não, viêm tai giữa, tiêu chả,…nếu không được điều trị kịp thời có thể gây tử vong.

Thủy đậu: Do virus Varicella zoster gây ra. Virus gây bệnh thủy đậu lây chủ yếu qua đường hô hấp (hoặc không khí), người lành dễ bị nhiễm bệnh nếu hít phải những giọt nước bọt bắn ra khi bệnh nhân thủy đậu ho, hắt hơi hoặc chảy mũi. Ngoài ra, khi tiếp xúc với bệnh nhân thủy đậu, bệnh có thể lây từ bóng nước khi bị vỡ ra, lây từ vùng da bị tổn thương hoặc lở loét từ người mắc bệnh. Đặc biệt, phụ nữ mang thai không may bị nhiễm bệnh sẽ rất dễ lây cho thai nhi thông qua nhau thai.

Thông thường, thủy đậu là bệnh lành tính. Nhưng bệnh cũng có thể gây biến chứng nguy hiểm như: Viêm màng não, xuất huyết, nhiễm trùng huyết, nhiễm trùng nốt rạ, viêm mô tế bào, viêm gan… Một số trường hợp có thể gây tử vong nếu người bệnh không được điều trị kịp thời.

Cúm mùa: Bệnh lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, ho, hắt hơi. 

Nhìn chung, các triệu chứng ban đầu sau 2 ngày ủ bệnh thường là: Sốt, ớn lạnh, nhức đầu, đau nhức cơ bắp, chóng mặt, ăn không ngon, mệt mỏi, ho, đau họng, chảy nước mũi, buồn nôn, đau tai, có thể xuất hiện triệu chứng tiêu chảy.

Bệnh cúm thường tiến triển lành tính, nhưng cũng có thể biến chứng nặng, gây nên những tổn thương phổi rất nhanh chóng có thể dẫn tới tử vong.

Quai bị: Bệnh quai bị do vi rút gây ra, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi, đặc biệt tập trung ở trẻ từ 6 tuổi đến 10 tuổi. Bệnh quai bị rất dễ lây qua đường hô hấp khi nước bọt của người nhiễm bệnh phát tán ra ngoài không khí khi nói chuyện, ho, hắt hơi. Bệnh thường lành tính, tự khỏi trong 1-2 tuần nhưng đôi khi có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm, đặc biệt là biến chứng trên cơ quan sinh dục.

Để phòng ngừa các dịch bệnh bùng phát mùa đông xuân, chúng ta cần

- Chủ động tiêm vắc xin phòng bệnh cho trẻ đầy đủ và đúng lịch.

- Hạn chế tụ tập và đến các điểm đông người.

- Đeo khẩu trang khi tiếp xúc với những người có các triệu chứng về đường hô hấp như: khó thở, ho, hắt xì, sốt, chảy nước mũi,...;

- Mặc ấm cho trẻ em khi ra ngoài.

- Tránh tiếp xúc trực tiếp và gián tiếp với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm ...

- Đảm bảo an toàn thực phẩm bằng cách ăn chín, uống sôi; ăn uống đủ chất, đủ dinh dưỡng, và cân đối, ăn nhiều hoa quả để giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng.

- Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Môi trường sống cần sạch sẽ, thông thoáng, không ẩm thấp.

 

 

Nguồn tham khảo

1. Các dịch bệnh đang bùng phát mùa đông xuân ở Việt Nam, ngày tham khảo 31/01/2023, <https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe- tong-quat/cac-dich-benh-dang-bung-phat-mua-dong-xuan-o-viet-nam/>

2. N.V. Lâm, T. Hương, Cảnh giác với dịch bệnh mùa Đông – Xuân, ngày tham khảo 31/01/2023
<https://benhviennhitrunguong.gov.vn/canh-giac-voi-dich-benh-mua-dong-xuan.html>

 

XÁC NHẬN THÔNG TIN
1. Nếu bạn là Cán bộ Y tế: Đây là những nội dung tóm tắt hướng dẫn sử dụng thuốc. Vui lòng xem tờ hướng dẫn sử dụng để có đầy đủ thông tin.
2. Nếu bạn là Người sử dụng thuốc: Vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hướng dẫn sử dụng thuốc.