Tư vấn / Tư vấn dùng thuốc

TÁC DỤNG CHỮA SỎI THẬN CỦA KIM TIỀN THẢO


Sỏi tiết niệu là một bệnh lý phổ biến ở Việt Nam, trong số này sỏi thận chiếm đến 50 %. Sỏi thận có thể gây nhiều biến chứng nghiêm trọng như tắc đường tiểu, nhiễm trùng tiết niệu, thận ứ nước, suy thận,…làm ảnh hưởng đến chất lượng cuốc sống của bệnh nhân. Để chữa trị sỏi thận, ngoài các phương pháp ngoại khoa tán sỏi, việc dùng thuốc để tống sỏi cũng được sử dụng rộng rãi. Trong những năm trở lại đây, xu hướng dùng dược liệu để chữa bệnh không phải là mới, trong đó, việc sử dụng cây thuốc Kim tiền thảo như là điểm sáng trong việc chữa trị các loại bệnh sỏi thận.

1. Tên cây thuốc

Theo cuốn sách “Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam”, kim tiền thảo còn có tên là mắt trâu, đồng tiền lông, vảy rồng, mắt rồng.

Tên khoa học Desmodium styraciflorum (Osb.) Merr., thuộc họ Cánh bướm Fabaceae (Papilionaceae).

2. Phân bố

Trên thế giới, kim tiền thảo phân bố ở các tỉnh phía nam Trung Quốc, Lào, Việt Nam, cây thường gặp ở các tỉnh thuộc vùng núi thấp và trung du phía bắc, từ Nghệ An trở ra. Các tỉnh có nhiều kim tiền thảo là Thái Nguyên, Lạng Sơn, Bắc Giang, Quảng Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Tuyên Quang, Hà Tây, Hòa Bình…

3. Thành phần hóa học

Polysaccharid.

Saponin triterpenic, trong đó soyasaponin I.

Flavonoid isovitexin, vicenin glycosid, isoorientin.

Các nhóm khác: Desmodimin, desmodilacton, lupenol, lupeol, tritriacontan, acid stearic, cicosanoic, acid cicosylester, β-sitosterol.

Kim tiền thảo thu hái được ở Việt Nam có flavonoid 0,46 % và saponin 3,1 %.

4. Tác dụng dược lý

Trong số các saponin triterpenic tồn tại trong kim tiền thảo, chất soyasaponin I đã được chứng minh có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi calci oxalat ở thận. Cao kim tiền thảo thí nghiệm trên chuột cống trắng có tác dụng ức chế sự hình thành sỏi calci oxalat ở thận do polysaccharid ức chế sự tăng trưởng của Ca oxalat monohydrat, đồng thời làm tăng lượng bài tiết nước tiểu. Đối với gan mật, kim tiền thảo có tác dụng tăng cường sự phân tiết dịch mật.

5. Tác dụng theo Y học Cổ truyền

Người ta dùng toàn cây, thu hái chủ yếu vào mùa hè và thu, dùng tươi hay phơi hoặc sao khô.

Tính vị, công năng: Kim tiền thảo có vị ngọt, tính mát, vào các kinh can, thận, bàng quang, có tác dụng thanh nhiệt, trừ thấp, lợi tiểu, thông lâm.

Công dụng: Kim tiền thảo được dùng chữa sỏi đường tiết niệu, sỏi mật, viêm gan vàng da, viêm thận phù thũng, nhiệt lâm, thạch lâm.

Liều dùng hàng ngày: 15 - 30 g, sắc nước uống. 

Thuốc dùng theo kinh nghiệm nhân dân, chủ yếu chữa bệnh sỏi túi mật, sỏi thận, bàng quang, phù thũng, bệnh về thận, khó tiêu.

XÁC NHẬN THÔNG TIN
1. Nếu bạn là Cán bộ Y tế: Đây là những nội dung tóm tắt hướng dẫn sử dụng thuốc. Vui lòng xem tờ hướng dẫn sử dụng để có đầy đủ thông tin.
2. Nếu bạn là Người sử dụng thuốc: Vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hướng dẫn sử dụng thuốc.