Tư vấn /
Tư vấn dùng thuốc
Thuốc biến đổi trong cơ thể thế nào?
Thuốc khi được đưa vào cơ thể với mục đích để trị bệnh. Trong quá trình đó, thuốc sẽ phải đi tới các cơ quan của cơ thể để phát huy tác dụng. Đa số thuốc sau khi tác dụng sẽ được chuyển hóa trước khi thải trừ ra khỏi cơ thể. Qua chuyến hóa, thuốc thường mất tác dụng, giảm hoặc hết độc tính và dễ dàng đào thải ra ngoài.
Gan - nhà máy chuyển hóa khổng lồ
Chuyển hóa thuốc là quá trình biến đổi rất phức tạp, làm thay đổi tính chất, cấu trúc và tác dụng của thuốc. Chuyển hóa thuốc xảy ra theo nhiều cơ chế khác nhau và sau khi chuyển hóa, nói chung thuốc sẽ bị giảm hoặc mất tác dụng. Tuy nhiên, có một số loại thì thuốc sau khi chuyển hóa mới có tác dụng chữa bệnh.
Sơ đồ hấp thu, chuyển hóa và thải trừ thuốc.
Các loại thuốc sau khi được uống sẽ được hấp thu qua đường tiêu hóa. Tiếp theo thuốc được hấp thu vào hệ tuần hoàn rồi phân phối đến các mạch máu, phóng thích hoạt chất phát huy tác dụng điều trị. Sau đó thuốc sẽ được chuyển hóa. Niêm mạc ruột, phổi, huyết tương, thận, não, phổi cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa thuốc, nhưng chỉ ở một mức độ nhất định. Quá trình chuyển hóa thuốc chủ yếu diễn ra ở gan.
Để thấm qua màng tế bào, đa số các loại thuốc là những chất dễ hòa tan trong lipid. Khi thuốc qua gan sẽ được chuyển hóa thành những chất chuyển hóa có tính phân cực, dễ dàng hòa tan trong mật và nước tiểu để được đào thải ra ngoài. Kết quả của quá trình chuyển hóa thuốc là đa số các thuốc bị giảm hoạt tính, một số ít tăng hoạt tính hoặc vẫn giữ hoạt tính, một số tiền chất không hoạt tính chuyển sang dạng có hoạt tính, một số trở thành chất chuyển hóa có độc tính...
Quá trình chuyển hóa thuốc ở gan cũng ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố khác nhau như ở người già và trẻ sơ sinh, tốc độ chuyển hóa ở gan chậm. Những người có bệnh lý mạn tính như suy tim, suy thận thì khả năng chuyển hóa thuốc cũng bị giảm. Một số thuốc như chloramphenicol, cimetidin, quinine gây ức chế enzym làm chậm tốc độ trao đổi chất hoặc một số thuốc như phenobarbital, meprobamat, clorpromazin gây cảm ứng enzym làm tăng tốc độ trao đổi chất. Nước ép bưởi cũng ức chế sự hoạt động của enzym nên làm chậm quá trình chuyển hóa thuốc, tích lũy nồng độ thuốc gây hại cho cơ thể. Vì vậy, không được uống nước ép quả bưởi khi đang sử dụng các loại thuốc giảm cholesterol nhóm statin, thuốc huyết áp nhóm đối kháng canxi...
Các cơ quan xử lý “rác” thải từ thuốc
Thuốc được thải trừ ra khỏi cơ thể theo nhiều đường khác nhau, trong đó có một đường chính là thải qua thận. Tốc độ thải trừ phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tính chất của thuốc và trạng thái của các cơ quan bài tiết; đường đưa thuốc vào cơ thể; tỷ lệ liên kết thuốc với protein huyết tương.
Thải trừ thuốc qua thận
Thải trừ thuốc qua thận là đường thải trừ quan trọng nhất; có khoảng 90% thuốc thải trừ qua đường thận. Phần lớn các thuốc hay sản phẩm chuyển hóa dễ tan trong nước sẽ thải trừ chủ yếu qua đường này. Khả năng thải trừ thuốc qua thận phụ thuộc vào các yếu tố như sức lọc qua mao mạch cầu thận; sự bài tiết và tái hấp thu của ống thận; độ pH nước tiểu.
Trong ba yếu tố trên, yếu tố pH nước tiểu có vai trò rất quan trọng. Khi pH của nước tiểu thấp, các thuốc có tính kiềm dễ thải trừ, khi pH nước tiểu cao các thuốc có tính acid nhẹ dễ thải trừ. Dựa vào mối liên quan giữa pH nước tiểu với tốc độ thải trừ thuốc qua thận, người ta có thể áp dụng để tăng hay giảm tốc độ thải trừ thuốc ra khỏi cơ thể.
Đa số các kháng sinh đào thải qua thận và bài tiết vào nước tiểu dưới dạng thuốc có hoạt tính hoặc không, các chất chuyển hóa bất hoạt hay ít nhiều có hoạt tính. Cơ chế thải trừ rất quan trọng trong điều trị nhiễm khuẩn đường tiểu. Các kháng sinh đào thải qua thận thường tập trung trong nước tiểu bàng quang với nồng độ cao hơn nồng độ huyết thanh. Điều này rất hữu ích về mặt trị liệu vì một số tác nhân gây bệnh có thể đề kháng với kháng sinh ở nồng độ thông thường trong huyết thanh, nhưng vẫn nhạy cảm với nồng độ kháng sinh trong nước tiểu bàng quang. Ngược lại, các kháng sinh đào thải qua gan thường không đạt đủ nồng độ trong nước tiểu. Vì vậy, tùy thuộc vào kháng sinh và bệnh tật cùng với quá trình chuyển hóa - đào thải thuốc, bác sĩ sẽ có những lựa chọn thuốc hiệu quả.
Thải trừ thuốc qua đường tiêu hóa
Hầu hết các thuốc không tan trong nước hoặc tan trong nước nhưng không hấp thu qua đường uống đều được thải trừ qua đường tiêu hóa. Có nhiều thuốc được thải trừ từ gan, qua mật rồi theo đường tiêu hóa ra ngoài. Một số thuốc qua mật xuống ruột non, lại bị chuyển hóa ở ruột, rồi qua tĩnh mạch cửa để trở lại gan theo chu kỳ gan - ruột. Những thuốc tham gia vào chu kỳ gan - ruột sẽ tồn tại lâu trong cơ thể.
Thải trừ (tiết) thuốc vào sữa mẹ
Có nhiều công trình nghiên cứu cho thấy, nếu người mẹ ở thời kỳ cho con bú đang dùng thuốc thì trong 24 giờ có khoảng 1% lượng thuốc do người mẹ dùng trong ngày được tiết vào sữa. Lượng thuốc tiết vào sữa phụ thuộc vào các yếu tố: bản chất của thuốc đang dùng; liều lượng dùng, số lần dùng thuốc trong ngày và cách dùng thuốc (uống hoặc tiêm); lượng sữa con đã bú, thời gian và khoảng cách các lần cho con bú...
Ngoài các đường thải trừ thuốc như đã nêu, thuốc còn có thể được thải trừ qua các đường khác như: qua tuyến mồ hôi, qua niêm mạc mũi, tuyến nước bọt, nước mắt.
ThS. Nguyễn Bạch Đằng