UỐNG NƯỚC ĐÁ LẠNH CÓ PHẢI NGUYÊN NHÂN GÂY VIÊM HỌNG?
Hiện nay, nhiều bác sĩ tư vấn khi bị viêm họng (họng sưng, đỏ, đau) hoặc bị ho, có thể uống nước mát hoặc thậm chí là ăn kem để cổ họng bớt đau rát, làm tê cổ họng hay nói cách khác là làm giảm cảm giác kích thích ở cổ họng, tức là sẽ làm bớt ho hoặc viêm cho dù chỉ là tạm thời. Trong khi đó, đa số chúng ta đều có một suy nghĩ mặc nhiên là “uống nước đá hay ăn đồ lạnh sẽ gây viêm họng”. Nhưng đây có phải là sự thật hay là sự hiểu lầm chưa được giải thích?
Nguyên nhân gây viêm họng là gì?
Viêm họng hay cảm ho là do bị lây siêu vi từ người sang người, lây qua ho, hắt hơi, bàn tay, ... Viêm họng không do uống nước lạnh, trừ khi trong nước lạnh đó có chứa siêu vi gây viêm họng. Nhiều khi bạn uống nước ngoài quán, chiếc ly không được sạch sẽ hoặc có ai đó bị cảm đã uống cái ly đó và bạn bị lây. Cũng tương tự như vậy, viêm họng không phải do nằm máy lạnh hay gió lùa như nhiều bạn tưởng tượng.
Vì sao cứ uống nước lạnh thì hay bị viêm họng?
Có thể khẳng định rằng nước đá hay đồ lạnh không phải nguyên nhân chính gây viêm họng như mọi người vẫn nghĩ nhưng đây chính là yếu tố thuận lợi gây viêm họng. Nước lạnh và kem ngọt là môi trường tốt nhất để vi khuẩn phát triển, sinh sôi, gây ra tình trạng viêm họng nghiêm trọng, khiến người bệnh mệt mỏi, xuất hiện nhiều hiện tượng bệnh như đau họng, ho khan… Một vài nguyên nhân chính có thể kể đến như:
- Nguồn tiếp nạp vào cơ thể không đảm bảo vệ sinh, có chứa các loại virus, vi khuẩn gây bệnh
- Trong cổ họng đang chứa sẵn vi khuẩn, việc đưa nước quá lạnh giống như chất xúc tác khiến niêm mạc bị tổn thương nghiêm trọng hơn
Khi nào cần đi khám bác sĩ?
Thông thường, viêm họng sẽ tự khỏi sau khoảng 1 tuần. Tuy nhiên, một số trường hợp viêm họng có thể gây nguy hiểm, người bệnh cần đi khám và điều trị sớm như:
- Tình trạng đau họng trở nặng hoặc kéo dài hơn 1 tuần
- Xuất hiện triệu chứng khó thở, khó há miệng, khó nuốt, chảy nước dãi bất thường
- Đau khớp, đau tai
- Sốt cao, phát ban ngoài da
- Có máu trong nước bọt hoặc đờm
- Sưng vùng cổ, mặt; nổi hạch ở cổ
- Khàn tiếng kéo dài hơn 2 tuần
Làm sao để phòng ngừa viêm họng?
Để phòng tránh bệnh viêm họng hiệu quả, cần lưu ý:
- Tránh tiếp xúc với những người đang bị viêm họng, bệnh đường hô hấp
- Hạn chế chạm tay vào mặt, mũi, miệng
- Thường xuyên rửa tay với xà phòng, dung dịch sát khuẩn, dung dịch có cồn trước và sau khi ăn, sau khi hắt hơi, ho, sổ mũi...
- Thường xuyên vệ sinh vật dụng như điện thoại, điều khiển tivi, bàn phím...bằng nước sát khuẩn
- Tránh dùng chung vật dụng cá nhân như khăn lau mặt, khăn tắm, đũa, muỗng
- Chú ý uống nhiều nước
- Bổ sung vitamin nhằm tăng cường sức đề kháng để chống lại bệnh tật.