Tin tức /
Hoạt động nghiên cứu
Bệnh Gút và Colchicin
06/03/2014
“Xuân - hạ - thu - đông chúng ta đều gặp bệnh nhân gút điều trị tại các khoa xương khớp. Tăng axit uric máu kéo dài và lắng đọng các tinh thể urat tại khớp gây viêm khớp được gọi là bệnh gút. Bệnh gút là bệnh do rối loạn chuyển hóa axit uric máu nên phải kiểm soát bệnh suốt đời”.
Axit uric trong cơ thể được tổng hợp từ 3 nguồn chính. Một phần từ thực phẩm giàu axit uric nucleic mang vào cơ thể là 200mg/ngày, một ít từ sự phá hủy của các mô chết là 100mg/ngày. Phần lớn cơ thể tự tổng hợp axit nucleic là 600mg/ngày. Sự thải trừ axit nucleic chủ yếu qua hai con đường thận và qua phân, trong đó đường thận là chính. Sự mất căn bằng đó là hậu quả bệnh xảy ra. Cơn gút cấp thường xuất hiện vào ban đêm khi nhiệt độ môi trường xuống thấp, đau nhức khó chịu làm cho người bệnh không thể nào ngủ được. Điển hình của cơn gút cấp là biểu hiện viêm khớp ngón chân cái, viêm tấy đỏ mu bàn chân, nhưng trong nhiều trường hợp, cơn gút có thể xuất hiện đột ngột ở khớp gối và khớp gối có nhiều dịch. Khi có nhiều dịch, bệnh nhân đau đến mức không thể đi bộ và cử động khớp rất khó khăn. Những cơn gút đầu tiên điều trị khỏi rất nhanh, về sau cơn gút xuất hiện tăng dần và chuyển thành gút mạn tính. Lúc này, bệnh nhân có các hạt tophi ở mắt cá chân hoặc bàn tay, mỏm khuỷu. Axit uric tăng cao trong máu có thể lắng đọng trong các nhu mô thận hoặc đài bể thận tạo thành sỏi urat. Chính vì lý do đó mà khi mắc bệnh gút đừng coi thường bệnh, chú ý tuân thủ chế độ ăn kiêng, phòng cơn gút cấp và luôn nhớ rằng bệnh gút cũng phải điều trị suốt đời. Bệnh gút còn hay gặp ở nam giới độ tuổi 30-50. Ở phụ nữ thường gặp bệnh gút sau thời kỳ mãn kinh, do tình trạng béo phì, lối sống tĩnh tại và giảm nồng độ oestrogen.
COLCHICIN là gì?
Colchicin là một alcaloid, được phân lập năm 1820 do nhà hóa học Pháp Pierre Joshep Pelletier và Joshep Bienaimé Caventon. Colchicin có tác dụng chống viêm và làm dịu đau. Colchicin là thuốc thường được sử dụng điều trị viêm khớp do gút và bệnh Behcet. Độc tính của Colchicin phụ thuộc vào liều lượng sử dụng. Tác dụng không mong muốn như tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau bụng, liệt thần kinh - cơ tiến triển, giảm bạch cầu và tiểu cầu. Liều gây độc trên 10mg và liều 40mg gây tử vong.
Colchicin được dùng điều trị cơn gút cấp và dự phòng gút tái phát cho những bệnh nhân gút mạn tính. Điều trị cơn gút cấp liều dùng Colchicin 1mg ngày thứ nhất uống 3 viên chia 3 lần, uống vào sáng, trưa và tối. Ngày thứ hai và thứ ba uống 2 viên Colchicin chia 2 lần uống vào trưa và tối. Ngày thứ tư và ngày tiếp theo uống 1 viên vào buổi tối. Phòng tái phát cơn gút cấp, tối uống 1 viên hoặc trước khi có triệu chứng tiền triệu của bệnh. Những trường hợp chức năng gan thận kém, không tự sử dụng Colchicin thì phải có ý kiến của bác sĩ. Trong đợt gút cấp bệnh nhân phải được nghỉ tại giường, uống 2 lít nước khoáng/ngày, nước không có gas, không uống rượu bia, giúp thải axit uric tốt. Bệnh nhân quá béo nên ăn chế độ giảm calo.
Colchicin 1mg - điều trị gút cấp tính, dự phòng gút tái phát
Tại sao bệnh nhân gút phải thực hiện chế độ ăn kiêng và uống nhiều nước khoáng?
Vì khi ăn nhiều sản phẩm giàu chất purin làm tăng tổng hợp axit uric máu.
Nên uống nước khoáng có nhiều bicarbonate, đặc biệt trong mùa nóng, khí hậu nóng, mất mồ hôi qua da nhiều làm giảm thải bài niệu, nước khoáng có tác dụng làm kiềm hóa nước tiểu, giúp dễ thải axit uric ra nước tiểu.
Các yếu tố dễ khởi phát bệnh
Bệnh dễ khởi phát sau các chấn thương, vi chấn thương do đi giày dép quá chật hoặc sau khi uống nhiều bia rượu và ăn thức ăn giàu chất purin như các phủ tạng gan, thận, não, lòng, lưỡi và thịt thú rừng. Ngoài ra còn do nhiễm khuẩn hoặc có can thiệp ngoại khoa hoặc uống nhiều thuốc.
Làm thế nào để phòng cơn gút cấp?
Chẩn đoán bệnh dựa vào đặc điểm viêm khớp, nồng độ axit uric trong máu, đáp ứng với điều trị Colchicin để phòng tái phát bệnh gút.
Các thực phẩm cần loại bỏ hẳn như: thịt thú rừng, các phủ tạng, thịt lợn, thức ăn rán, cá hộp, rượu vang, sô-cô-la, ca-cao.
Các thực phẩm cần hạn chế như thịt, cá (100g/ngày), tôm, cua, ốc. Các loại rau khô, trứng, sữa và các sản phẩm sữa.
Các thực phẩm được khuyến khích như thịt gà, cá.
Trên thế giới, nhiều nghiên cứu cho thấy ở những người có tăng axit uric máu cao có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn ở những người có axit uric thấp. Vì vậy, bệnh nhân gút nên chú ý các bệnh tim mạch phối hợp. Bệnh nhân mắc bệnh gút lâu và không tuân thủ điều trị hoặc tự uống thuốc không theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa khớp thường dẫn đến tình trạng bệnh rất nặng, chi phí điều trị rất tốn kém và thời gian nằm viện kéo dài.
Trên thế giới, nhiều nghiên cứu cho thấy ở những người có tăng axit uric máu cao có nguy cơ mắc các bệnh tim mạch cao hơn ở những người có axit uric thấp. Vì vậy, bệnh nhân gút nên chú ý các bệnh tim mạch phối hợp. Bệnh nhân mắc bệnh gút lâu và không tuân thủ điều trị hoặc tự uống thuốc không theo hướng dẫn của thầy thuốc chuyên khoa khớp thường dẫn đến tình trạng bệnh rất nặng, chi phí điều trị rất tốn kém và thời gian nằm viện kéo dài.
BSCK2. MAI THỊ MINH TÂM (Khoa Cơ xương khớp – Bệnh viện E Hà Nội)