Tư vấn / Tư vấn dùng thuốc

Có nên uống thuốc để phòng ngừa sốt sau khi tiêm vaccine COVID-19?


Phản ứng sau tiêm chủng hay sự cố bất lợi sau tiêm chủng được định nghĩa là “hiện tượng bất thường về sức khỏe bao gồm các biểu hiện tại chỗ tiêm hoặc toàn thân xảy ra sau tiêm chủng”. Trong các nghiên cứu lâm sàng, hầu hết các tác dụng phụ không mong muốn của vaccine Covid-19 đều ở mức độ từ nhẹ đến trung bình và sẽ tự khỏi trong vài ngày. Không phải ai cũng gặp phải nhưng hầu hết tác dụng phụ sau khi tiêm vaccine Covid-19 là những phản ứng thông thường tại vị trí tiêm như sưng đau, nóng đỏ, ngứa và các triệu chứng “giả cúm” như sốt, đau đầu, ớn lạnh, chóng mặt, buồn nôn, buồn ngủ, mỏi cơ, nhịp tim nhanh… Các triệu chứng này thường xảy ra sớm sau khi tiêm vaccine, tự khỏi và không gây ra vấn đề nghiêm trọng về sức khỏe cũng như không để lại di chứng. Theo các chuyên gia, phản ứng sau tiêm phòng vaccine Covid-19 thậm chí là có lợi vì đó là dấu hiệu cho thấy cơ thể đã có đáp ứng miễn dịch đối với vaccine. Bên cạnh đó, các phản ứng dị ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ là cực kỳ hiếm nhưng sau khi tiêm vaccine, nên ở lại tại điểm tiêm chủng 30 phút để nhân viên y tế kịp thời can thiệp trong trường hợp có bất kỳ phản ứng tức thời nào xảy ra.
Hầu hết các tác dụng phụ của vaccine Covid-19 đều ở mức độ
từ nhẹ đến trung bình, sẽ tự khỏi trong vài ngày
 
Có nên dùng thuốc để phòng ngừa sốt?
Sốt là một trong những phản ứng phụ thường gặp sau khi tiêm vaccine Covid-19. Nếu có biểu hiện sốt trên 38.5 độ C, có thể dùng thuốc hạ sốt với liều lượng thuốc được khuyến cáo. Tuyệt đối, không dùng ít hơn vì thuốc không đủ tác dụng hoặc dùng quá liều thuốc có thể gây hại gan, thậm chí ngộ độc. Nếu sốt cao liên tục trên 39 độ C mà cơ thể không hạ sốt, cần liên hệ ngay với cơ sở y tế gần nhất. Ngoài ra, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, không nên dùng thuốc hạ sốt trước hoặc ngay sau khi khi tiêm vaccine COVID-19 để ngăn ngừa các tác dụng phụ tiềm ẩn, vì việc làm này có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vaccine. Tuy nhiên, có thể sử dụng paracetamol hoặc các loại thuốc giảm đau, hạ sốt khác khi bạn có bất kỳ chống chỉ định cụ thể nào nếu phát triển các tác dụng phụ như đau, sốt, nhức đầu hoặc đau cơ sau khi tiêm.
 
Chỉ nên sử dụng thuốc khi bị sốt trên 38.5 độ C, với liều lượng được khuyến cáo
 
Thuốc hạ sốt có làm giảm phản ứng miễn dịch sau tiêm?
Hiện tại, chưa có bất kỳ bằng chứng hoặc lời khuyên y tế công cộng nào cho thấy việc sử dụng các thuốc giảm đau, hạ sốt như paracetamol để kiểm soát cơn sốt và cơn đau sau khi tiêm vaccine COVID-19 có tác động đến phản ứng miễn dịch sau tiêm chủng. Nếu có bất kỳ nghi ngờ nào, nên hỏi ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ để được tư vấn thêm.
 
Làm thế nào để đối phó an toàn với cơn sốt sau tiêm chủng?
Ngoài việc sử dụng thuốc, có thể áp dụng một số cách sau sẽ giúp giảm nhẹ các triệu chứng do phản ứng phụ sau tiêm chủng COVID-19 gây ra. 
- Đối với các phản ứng phụ tại chỗ tiêm như đau hoặc sưng, sử dụng khăn ướt sạch và mát để chườm; vận động cánh tay nhẹ nhàng, việc này giúp ngăn ngừa tình trạng căng cứng bằng cách thả lỏng các cơ bị đau. 
- Nếu bị ớn lạnh và sốt nhẹ nên uống nhiều nước để tránh mất nước, chườm khăn ấm ở trán, nách, bẹn để hạ sốt và bổ sung thêm vitamin C để tăng sức đề kháng
- Mặc quần áo nhẹ và thoáng mát giúp tránh thấm hút mồ hôi
- Ăn thức ăn loãng như: cháo, soup 
 
Sau khi tiêm chủng, thường mất vài tuần để cơ thể xây dựng cơ chế miễn dịch với Covid-19, bạn vẫn có thể bị nhiễm bệnh, do đó, cần lưu ý thực hiện nghiêm túc các quy định 5K để bảo vệ sức khỏe của bạn và cộng đồng
 
 
 
 
Nguồn: Bộ Y Tế
 

XÁC NHẬN THÔNG TIN
1. Nếu bạn là Cán bộ Y tế: Đây là những nội dung tóm tắt hướng dẫn sử dụng thuốc. Vui lòng xem tờ hướng dẫn sử dụng để có đầy đủ thông tin.
2. Nếu bạn là Người sử dụng thuốc: Vui lòng liên hệ với bác sĩ hoặc dược sĩ của bạn để được hướng dẫn sử dụng thuốc.