THỰC HƯ VỀ VIÊN GIẢI RƯỢU
Tết đến xuân về là thời điểm nhu cầu tiêu thụ rượu bia và đồ uống có cồn khác tăng vọt. Rất nhiều người đã sử dụng viên giải rượu để làm giảm các triệu chứng do rượu mang lại và để có thể tham gia nhiều cuộc nhậu hơn. Tuy nhiên, khác với sự lầm tưởng của mọi người, thuốc giải rượu không phải là “thần dược” giúp giải độc gan và tỉnh táo ngay tức thì như mọi người vẫn hay lầm tưởng.
1. Quá trình chuyển hóa và đào thải sau khi uống rượu
Rượu chứa 2 thành phần chính là ethanol và nước. Khi uống vào cơ thể, rượu được hấp thụ hoàn toàn trực tiếp vào máu (20 % ở dạ dày, 80 % ở ruột non) với tốc độ nhanh hay chậm phụ thuộc vào lúc đói hay lúc no (lúc đói thì rượu sẽ nhanh hơn). Sau khi hấp thu, rượu được phân phối nhanh vào các tổ chức và dịch của cơ thể, và nồng độ rượu trong tổ chức tương đương với nồng độ trong máu. Khoảng 10 % rượu được thải ra ngoài qua mồ hôi, hơi thở và nước tiểu. 90 % còn lại được hấp thu và chuyển hóa tại gan qua hai giai đoạn:
- Đầu tiên, ethanol trong rượu được chuyển hóa thành acetaldehyd - chất gây ra các biểu hiện say rượu, ngộ độc rượu - nhờ hệ thống enzym alcohol dehydrogenase (ADH).
- Sau đó các acetaldehyd nhanh chóng bị oxy hóa nhờ enzym aldehyd dehydrogenase (ALDG) để chuyển thành acetat. Các gốc acetat sau đó kết hợp với Coenzyme A thành acetyl CoA để đi vào chu trình Krebs. Cuối cùng qua chu trình Krebs các acetyl CoA được oxy hóa thành carbonic, nước và năng lượng ATP.
Ngoải ra, quá trình giáng hóa này sẽ giải phóng ra các gốc oxy tự do hoạt động (reactive oxygen species - ROS) gây độc tế bào cơ thể.
2. Thành phần và tác dụng của viên giải rượu
Viên thường có thành phần chủ yếu gồm đường glucose, vitamin B1, B6, PP, acid glutamic, acid fumaric, acid succinic. Thực chất, đây là các chất hỗ trợ dạng thực phẩm chức năng giúp đẩy nhanh quá trình chuyển hóa ethanol. Chưa có tài liệu dược học nào chứng minh tác dụng bảo vệ hoặc phục hồi cơ quan dễ bị rượu làm tổn hại là gan hoặc triệt tiêu tác dụng của rượu trên hệ thần kinh trung ương để làm mất đi trạng thái “xỉn”
Khi uống rượu ở liều lượng cho phép, các viên giải rượu có thể giúp người dùng giảm nhức đầu, sốt, đau nhức, dễ chịu. Nhưng nếu như dùng thuốc giải rượu thường xuyên hay quá liều thì lại gây ra phản ứng ngược, dẫn tới tăng các men gan (AST, ALT, gamma-GT). Đồng thời làm giảm đi các chất có chức năng bảo vệ gan, tăng tổng hợp acid béo và triglycerid trong tế bào gan khiến cho tình trạng gan nhiễm mỡ tăng cao; hoại tử tế bào gan; viêm loét đường tiêu hóa và tử vong.
Do đó, không nên lạm dụng các viên giải rượu, mà nên áp dụng một vài mẹo vặt sau để giúp cuộc nhậu kéo dài hơn mà ít gây tổn hại đến cơ thể.
3. Các mẹo vặt giúp ai cũng có thể trở thành “thánh tửu”
- Uống rượu khi đã ăn no
Thức ăn, đặc biệt là thức ăn nhiều dầu mỡ làm giảm tốc độ hấp thu rượu vào máu, từ đó làm chậm quá trình “say”.
- Dùng nước sắn dây giải rượu
Sắn dây có tính bình, vị ngọt, do vậy khi sử dụng sẽ giúp giải cơ, làm ra mồ hôi nhiều cũng như giải độc.
Người bị say có thể giải rượu bằng cách cho uống nước vắt từ củ sắn dây thêm ít muối; hoặc lấy nước sôi rồi bỏ thêm một ít bột sắn dây và ít muối, khuấy đều rồi uống giải rượu.
- Dùng nước lá dong
Nước lá dong để uống giải rượu. Bởi những phương pháp dân gian này rất an toàn, hiệu quả, bảo vệ gan, thận trước tác hại của rượu.
- Nước chanh tươi: Uống nước chanh nóng không đường thêm vài lát gừng sẽ giúp giải được rượu.
- Lòng trắng trứng gà: Lòng trắng giàu protein khiến chất cồn bị kết tủa lại, từ đó giảm bớt hấp thu vào máu, mặt khác còn tránh hiện tượng bỏng niêm mạc dạ dày do rượu.
- Nước cà chua: Ép 3 đến 4 quả cà chua lấy nước, uống ngay sau khi đi uống rượu cơ thể sẽ cảm thấy tỉnh táo.
- Giấm: Pha 60g giấm ăn, đường đỏ 15g, gừng 3 lát, giã nát. Hòa lẫn cả 3 thứ với nhau rồi uống.
- Nước đậu xanh nấu: Sau khi đi uống rượu về, ăn một bát đậu xanh sẽ giải rượu và không còn cảm giác mệt mỏi nữa.
- Uống nước ép củ cải trắng: Giã một ít củ cải trắng, lọc lấy nước cốt thêm ít đường đỏ rồi cho người say uống làm nhiều lần.
- Uống nước cơm: Say rượu nên uống một bát nước cơm sẽ không bị say nữa, vì cồn gặp nước cơm sẽ tạo nên hiện tượng kết tủa, từ đó làm giảm lượng cồn hấp thu vào máu.
- Uống nước mía đỏ: uống một cốc nước mía đỏ thêm một chút nước chanh hoặc nước quất sẽ tỉnh táo trở lại.
Nguồn tham khảo:
https://vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/suc-khoe-tong-quat/thuoc-giai-ruou-co-hieu-qua-va-toan/
2. https://www.hoanmydanang.com/thuoc-giai-ruou.html
Các bài thuốc dân gian giúp giải rượu, báo Sức khỏe & Đời sống.